Cảm xúc về Hà Nội không chỉ cuốn hút các thế hệ nhạc sĩ trong thời đổi mới, cuốn hút các nhà văn, nhà thơ cũng viết ca khúc, nó còn cuốn hút cả những những người vẫn còn vương vấn trong lòng chút lãng mạn với đất kinh kỳ.
Ca khúc “Hà Nội - chiều ven hồ” của Lê Quân là một chứng nghiệm như thế. Vẫn có trong mình máu nghệ thuật, chất tài hoa của người Hà Nội, Lê Quân hình như rung động bằng con tim của đứa con xa Thủ đô viết ra những ca khúc như “Lá nửa chiều”, “Cánh cò quê”... và “Hà Nội – chiều ven hồ”. Chọn nhịp ¾ của tiết điệu Valse và điệu thức la trưởng như “Cung đàn xưa” của Văn Cao. Nếu ở Văn Cao là đi tìm lại cung đàn xưa: “Cung thương là tiếng đàn – Cung nam là tiếng người” thì ở Lê Quân là đi tìm “Đời mình loanh quanh” ven hồ. Một bước chuyển từ cảm xúc “hoài cổ” đến cảm xúc “hoài nhân”:
Hà Nội những chiều anh lang thang
Đi tìm anh loanh quanh ven hồ
Như đời mình loanh quanh
Rất lạ là mắt em màu đen
Mà nước hồ thì xanh
(Hà Nội chiều ven hồ)
Có gì khiến cho tác giả đi tìm mình lại thấy lạ với màu mắt đen thiếu nữ, với màu xanh nước hồ. Cái lại đó là do mùa thu Hà Nội mang tới rất hồn nhiên:
Hà Nội ơi mùa thu đã qua đây
Trên căn gác nhỏ,
Trên con phố cổ̉,
Trong gánh hàng rong đong đưa...
(Hà Nội chiều ven hồ)
Giữa xô bồ đời sống hôm nay mà vẫn còn nhận ra mùa thu đọng vàng trong chiếc lá lẻ loi và cúi nhặt để tặng cả mùa thu cho người yêu, thì thấy rõ cái chất Hà Nội từ đáy sâu tâm hồn vẫn không hề bị phai nhòa. Cái chất ấy vẫn phải bền bỉ đi tìm ngay trong chính mình:
Hà Nội ơi chiều lá vàng đơn côi lẻ loi
Rơi trên mặt hồ
Cúi nhặt lên mùa thu anh tặng em
Mùa thu anh đi tìm...
(Hà Nội chiều ven hồ)
Cho cùng ra “Hoài cổ” thì cũng là “Hoài nhân”, một xa xót về những điều tử tế, những con người tử tế đã mất dần, đã khuất lấp trước bộn bề vật chất của thời đại tiêu dùng.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét