Đôi mắt - cửa sổ tâm hồn luôn là đề tài bất tận của các nhạc sĩ. Rất nhiều ca khúc trong kho tàng nhạc Việt nói đến đôi mắt, tất nhiên, đều là những đôi mắt của các giai nhân.
Có thể lấy dẫn chứng ngay ở dòng nhạc đang thịnh hành hôm nay. Trước đây, có ai nghĩ rằng ca khúc Việt lại có thể nói về một đôi...mắt xanh. Thế mà bây giờ, bạn có thể nghe Liêu Anh Tuấn hát "Đôi mắt xanh ơi hãy nhìn anh, và nói cho anh nghe yêu thương nơi trái tim em.." (Mắt xanh) trong một điệu nhạc sôi động mà nhạc sĩ Đức Trí đặt lời theo nhạc của Gremling.
Mà không chỉ có mắt xanh, màu mắt nâu quen thuộc của người Việt bấy lâu dường như chưa có nhạc sĩ nào đề cập tới, có lẽ do quá quen thuộc chăng? Thế là phải đợi đến khi nhạc sĩ Phạm Dũng Hà đặt lời mới cho một ca khúc nhạc Hoa, ta mới được nghe ca sĩ Phạm Thanh Thảo hát "Còn đâu mắt nâu đượm buồn, ngày thơ bé nay đâu. Để hồn ai luôn nhớ mãi, luôn thao thức đêm thâu...".
Thế còn màu mắt đen? Nếu là fan của nhóm nhạc rock Bức Tường, hẳn bạn không lạ với "Mắt đen đôi khi lung linh thật tinh khôi. Mắt đen ôi trái tim anh thuộc về em. Mắt đen ơi khát khao cháy một lần thôi. Mắt đen hãy thắp lên ngọn lửa đam mê..." của Trần Lập.
Rồi trước đây, còn có hẳn cả Mắt biếc nữa chứ: "Mắt biếc năm xưa nay đâu, bến ga tịch liêu vắng xa người yêu. Lá úa đơn côi bơ vơ cuốn theo chiều rơi người xa cách rồi..." (Mắt biếc, Ngô Thụy Miên)
Thế đấy, thời đại "toàn cầu hóa", trong nhạc Việt có cả mắt nâu, mắt xanh, mắt đen, mắt biếc...đủ cả!
Ngược dòng lịch sử, chắc nên nhắc về thời kỳ nước ta còn trong khói lửa chiến tranh. Trong hoàn cảnh đó, những người chiến binh ra đi đều nhớ về một hình ảnh, một ánh mắt người thương nào đó, mà Đôi mắt người Sơn Tây là ví dụ. Từ một ánh mắt ám ảnh nhà thơ Quang Dũng, qua nét nhạc Phạm Đình Chương đã trở thành một biểu tượng chung vương vấn trong tâm hồn của bao người trai trẻ: "Mắt em xưa có sầu cô quạnh, khi chớm thu về một sớm mai. Đôi mắt người Sơn Tây, u uẩn chiều luân lạc, buồn viễn xứ khôn khuây...".
Đó là đôi mắt "người đẹp" của thời kháng chiến chống Pháp, khi những biểu hiện của lãng mạn tiểu tư sản vẫn còn đeo đẳng trong tâm hồn những chiến binh hào hoa. Sang đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nhạc sĩ đã không còn chỉ tập trung vào nét lãng mạn của đôi mắt nữa, dù vẫn tả "Người con gái quê ta, đôi mắt trong tựa ngọc. Đôi giọt nước sông La thương như trời quê ta" của Người con gái sông La (Doãn Nho) nhưng đôi mắt đó là đôi mắt đang trong trạng thái đánh thù: "Em dõi theo từng ngày, đếm từng loạt bom rơi...". Thật là những ánh mắt hào hùng của người con gái Việt Nam!
Khi ra trận, người chiến sỹ nhìn gì cũng liên tưởng đến mắt người thương "Ngôi sao như mắt em trong những đêm không ngủ" (Hành khúc ngày và đêm, Phan Huỳnh Điểu). Còn khi đã đối diện với kẻ thù, thậm chí những đôi mắt hiền lành của người dân đất Việt còn trở thành "những đôi mắt mang hình viên đạn", mang cả niềm tin chiến thắng mà quê hương trao cho người chiến sĩ lên đường, như trong câu hát của nhạc sĩ Trần Tiến.
Ấy là trong chiến tranh, khi mỗi người dân là một chiến sĩ, còn bình thường, đôi mắt Việt Nam thật hiền hòa và đáng yêu. Như trong ca khúc của Anh Quân và Dương Thụ, qua tiếng hát Mỹ Linh, ta thấy hiện lên những cô con gái "tóc ngắn, mắt bồ câu sáng ngời" tinh nghịch, còn trong nhạc Sỹ Luân, là những cô gái mắt nai nhí nhảnh dễ thương. Đó mới là những nét đẹp trong đôi mắt của người con gái Việt Nam
Nếu thích nhạc Nguyễn Cường, hẳn bạn sẽ cùng nhận xét với tôi: Khi viết các ca khúc về Tây Nguyên, nhạc sĩ này thường nói về đôi mắt những người con gái nơi đây. Chắc rằng Nguyễn Cường rất ấn tượng với tình cảm nồng hậu của những cô gái Tây Nguyên. Chẳng thế mà ông có hẳn một ca khúc Đôi mắt Pleiku nổi tiếng, nói rằng mình "Không dám nhìn vào đôi mắt ấy, đôi mắt Pleiku Biển Hồ đầy". Soi vào đôi mắt Pleiku đó, nhạc sĩ thấy tất cả cảnh sắc Tây Nguyên: "Có hàng thông xanh trong đôi mắt em, có dòng Sê san trong đôi mắt em", rồi có cả ly rượu cần say men và những ngọn lửa đang nhen chơi vơi...Đôi mắt của cô gái Pleiku nào đó chính là cái gương, là bức tranh miêu tả chi tiết nét đẹp hùng vĩ của núi rừng, chẳng trách đôi mắt ấy hút cả hồn nhạc sĩ lẫn người nghe!
Sang đến Ly cà phê Ban Mê , ta thấy người con gái Tây Nguyên, không rõ người Ba Na hay Ê Đê mà có " Ánh mắt xanh như mùa xuân đang về", rồi "Ánh mắt say trong ly cà phê Ban Mê". Quả là những ánh mắt đặc biệt, say đắm và cực kỳ cuốn hút. Hay trong "Còn thương nhau thì về", nhạc sĩ chỉ tả một câu "Ánh mắt ấy tiếng nói ấy thương thương hoài" là đủ biết đôi mắt của cô gái nào đó đáng yêu biết dường nào.
Nhưng kể những đôi mắt trong nhạc Nguyễn Cường thì hầu hết đều là những đôi mắt vui tươi, nóng bỏng nhiệt huyết của núi rừng Tây Nguyên. Trong khi đó, nhiều nhạc sĩ khác lại yêu đôi mắt giai nhân của mình trong những lúc buồn bã. Mắt buồn cũng đẹp đâu có kém.
Mắt buồn ư, có hẳn mấy ca khúc tên là Mắt buồn đấy, nhưng chắc được nhiều người hát nhất là bài của nhạc sĩ Trường Huy. Khi "Vòng tay ai buông lơi nuối tiếc... lệ chia ly tuôn rơi, mắt buồn long lanh", thì đôi mắt dù đẹp cũng đã không níu kéo được một mối tình tan vỡ, mà không biết "Chàng có hay đôi mắt buồn, tình đã vỡ tan tựa mây khói...". Những đôi mắt buồn như vậy trong âm nhạc nhiều lắm, kể sao cho hết những đôi mắt "lệ hoen, lệ nhòa, ướt mi..." khóc cho những ly tan, vụn vỡ.
Còn có lẽ, con mắt buồn nhất trong làng nhạc Việt chính là Con mắt còn lại của Trịnh Công Sơn (phỏng thơ Bùi Giáng): "Còn hai con mắt khóc người một con, còn hai con mắt một con khóc người". Những con mắt mang nặng giọt nước mắt khóc cho nhân tình thế thái, khóc cho thân phận con người.
Ấy vậy mà dù mắt vui hay buồn, đều gây những nguồn cảm hứng bất tận cho những người nghệ sĩ. Vũ Quang Trung thì ca lên rằng "Đời mưa gió, em có nơi bình yên, giữa một trời hạnh phúc quá lớn lao, ước được cầm tù trong đôi mắt em". Ước được cầm tù trong đôi mắt, không hiểu đã có nghệ sĩ nào có ước mơ lãng mạn đến thế chưa nhỉ?
Giản dị hơn, nhạc sĩ Đức Huy đúc kết: "Trong đôi mắt anh, em là tất cả, là niềm vui, là hạnh phúc, em dấu yêu...". Trong đôi mắt nhạc sĩ thì "em" quý giá vậy đó, chỉ tiếc rằng khi hát lên câu đó cũng là lúc nhạc sĩ ước ao "Mình gặp nhau lúc anh chưa bị ràng buộc, và em chưa thuộc về ai". Thật là nghịch cảnh! Hay chính vì dang dở thế mà cả hai đều luôn đẹp trong mắt nhau?
Và cũng chỉ nhạc sĩ Đức Huy mới trả lời được câu hỏi ấy. Còn với những bạn thanh niên đang mê mải với cuộc yêu đương, họ vẫn còn say sưa ước ao "được cầm tù trong đôi mắt nhau" và đang theo tiếng đàn ngân nga giọng hát ngợi ca những đôi mắt đang lung linh sắc màu tình yêu ...
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét