12:00
0
Em dệt tầm gai đến bao giờ?

“Cô sinh viên “già” trước tuổi”, “hơi tưng tửng”... là những gì người ta đồn đại về Vi Thùy Linh từ ngày chúng tôi còn học chung trường. Cảm giác có sự đối lập giữa hai người phụ nữ, dù lớn lên cùng thời, không khiến tôi mảy may để ý đến những sáng tác của cô. Nếu Thùy Linh như biểu tượng những cơn sóng dữ dội “thèm khát” yêu đương, khát khao được “lột trần” mình trong cuộc sống thì tôi, ưa sống trong khoảng lặng như biển về đêm, thèm lắm sự tĩnh lặng, sợ hãi sự ồn ào.

Cứ thế cho đến một ngày, mệt mỏi với bon chen cơm áo gạo tiền, cộng với những thất bại, đổ vỡ trong đời sống tình cảm... khiến tôi muốn điên dại. Tôi tìm đến Dệt tầm gai.

Định mệnh nghệ thuật

Lời khuyên đầu tiên với những ai còn đang hiếu kỳ hay lần đầu nghe bài hát Dệt tầm gai (thơ: Vi Thùy Linh, nhạc: Ngọc Đại), trước tiên, bạn hãy đọc bài thơ gốc mới thấy rõ hơn cả con người Vi Thùy Linh nơi đó. Ngay mở đầu:

Chúng mình ở hai miền
Ngày nào em cũng khóc...
Anh yêu của em
Em yêu anh cuồng điên
Yêu đến tan cả em
Ào tung ký ức
Ngày dài hơn mùa
Em mong mỏi
Em (có lúc) như một tội đồ nông nổi...

Ai yêu thơ Vi Thùy Linh thì nói, Linh là cô gái trẻ đại diện cho hình ảnh thiếu nữ Việt Nam thời đại mới, đang thèm được yêu đương mãnh liệt, không chút giấu giếm. Thơ cô đã “bóc trần” tâm can cô gái thèm được cho và nhận tình yêu đầu đời. Hơn là ngồi khóc trong góc tối nào đó nay thú nhận mình là kẻ “tội đồ nông nổi”, lửa tình yêu muốn cháy “tan cả em ra”.

Người khác cũng nói, thơ Vi Thùy Linh được ví như mang những hình ảnh quá “kỳ quái”, “lập dị” nhưng ngay vế sau đó, không thể phủ nhận rằng, ở đó còn có những gì quá đỗi dữ dội, đam mê rực lửa. Đôi khi khiến người ta thèm khát, đôi khi khiến ta muốn quên đi y như những đợt sóng biển lúc ồn ào, khi vỗ về, vắng lặng đến tê hồn. Mỗi câu thơ của cô bay lên như sợi tầm gai, như cánh chim khắc khoải.

Tiếp nối dòng chảy đó, không thể không nhắc tới mối tơ duyên nghệ thuật đầu tiên với Thùy Linh và với cả Dệt tầm gai, trở nên “điên rồ” như thế, đó là phần phổ nhạc của nhạc sĩ Ngọc Đại. Thùy Linh đã từng chia sẻ: “Cho đến nay, Ngọc Đại là nhạc sĩ duy nhất tấu lên những âm thanh hòa với thơ tôi đa dạng và hợp nhất. Thơ tôi đến với Ngọc Đại là ngẫu hợp. Ông phổ thơ tôi một năm rồi mới gặp mặt. Lần đầu nghe Ngọc Đại hát Dệt tầm gai tại nhà ông, tôi đã khóc vì thật tuyệt và cảm động biết bao khi có một người chưa hề gặp mà lại hiểu mình đến thế. Đó là duyên mệnh nghệ thuật”.

Nếu chưa nghe tâm sự này của Vi Thùy Linh, không ít người sẽ đặt câu hỏi rằng, nhà thơ và nhạc sĩ ấy có mối quan hệ đến đâu, họ hiểu nhau đến mức nào để Ngọc Đại phổ thơ Vi Thùy Linh tài tình đến thế, nguyên si một Vi Thùy Linh trong đó, không chút gợn. Và nhắc đến Dệt tầm gai cũng không thể tách khỏi giọng ca của Trần Thu Hà. Chỉ với réo rắt khi cô hát tiếng “í a, i à” xen lẫn tiếng gọi người tình thiết tha “về đi anh, về đi anh”, cũng đã đủ làm ta rung động, xé lòng. Thơ Vi Thùy Linh lạ, lột tả bao nhiêu thì Hà Trần cũng đã thể hiện thành công bấy nhiêu. Nếu Ngọc Đại bất chợt “hiểu” Vi Thùy Linh đến thế thì với Hà Trần, không hiểu sao lại “giống” Linh đến vậy.

Cài then tâm hồn

Người đàn ông, có thể đã được Thùy Linh xác định trước, cũng có thể là người không hề tồn tại, sẽ đến trong tương lai… ở một nơi xa xôi nào đó. Tiếng chờ anh khiến ngày dài lê thê, một ngày dài hơn cả một mùa, những ngón tay ngọc ngà giờ lạnh giá, đớn đau, trầy xước và chỉ có anh, chỉ bằng những nụ hôn nồng nàn mới khiến em ngừng khóc, vòng tay ấp ám mới giúp em ngưng đớn đau… phải bù đắp bằng tình yêu anh dành cho em mới đủ:

Cài then tiếng khóc của em bằng đôi môi anh
Bàn tay lã chã trầy xước nụ gai đớn đau

… bằng anh.

Người đàn bà dệt bao nhiêu niềm vui vẫn không sao vượt qua nỗi nhớ, dệt bao nhiêu hạnh phúc mới thỏa niềm yêu. Bởi tình yêu đó quá dữ dội, không gì sánh được. “Lã chã trầy xước” trong Dệt tầm gai của Vi Thùy Linh có khi khiến bạn thấy điều gì đó khủng khiếp quá. Nhưng bạn cũng cảm nhận thấy rằng, chỉ có tình yêu mới khiến con người ta kiệt quệ và sẵn sàng trả giá đến thế. Cũng không có nghĩa người đàn bà làm nên những vần thơ ấy đã từng trải qua lớp lớp mối tình, nếu ngẫm ngợi kỹ sẽ thấy, sau những vũ bão, khát khao ấy, có hình dáng một người con gái âm thầm, lặng lẽ, đáng thương vì cảm thấy mình yêu bao nhiêu cũng không là đủ, sự thèm khát ấm áp nồng nàn, một chút cô đơn không sao tả siết.

Không kỳ vọng những điều lớn lao, em giữa mùa lạnh giá âm thầm lặng lẽ, dệt những sợi tầm gai vô hình bằng trái tim thổn thức, bé bỏng, tội nghiệp của mình… chờ anh:

Những sợi tầm gai

Không ai nhìn thấy
Gai tầm gai đâm em đau đớn
Em chờ anh mãi...

Người ta thấy một Linh đã lao động hết mình, bằng ngôn ngữ, hình ảnh, biểu tượng… để bùng vỡ tràn trề sức xuân, không kìm giữ hay lẩn trốn. Ngay cả khi những chiếc gai làm mười ngón tay rớm máu, ngay cả khi nỗi thất vọng thảng thốt có thể tràn về không ngừng nhưng em vẫn hướng về anh bằng tình yêu trọn vẹn. Mà người đàn bà ấy vẫn cứ mải miết dệt tầm gai bằng tất cả tình yêu, niềm hi vọng của mình.

Càng nghe bài hát, đọc nhiều lần bài thơ càng khiến người ta thấy điều gì đó rất khác, muốn sống có lửa hơn, giật mình trong một khoảnh khắc, như cảm thấy đó chính là giây phút mình không phải là chính mình… rồi lập tức trở về với thực tại. Từ trong đau khổ cứ cháy lên những khát khao được yêu, được ước vọng.

Tâm sự về tình yêu người, tình yêu đời của riêng mình, nhà thơ bộc bạch: “Sau này, càng nhiều người đàn ông thích tôi, không phải vì tôi xinh đẹp, có thể vì tôi hay và khác lạ. Nhưng vào lúc cảm thấy có thể "chủ soái" được nhiều trái tim, tôi lại mông lung về người đàn ông đích thực và vĩnh viễn của mình. Vẫn biết đời người quá ngắn và không có sự tuyệt đối, nhưng tôi luôn kiếm tìm và hướng tới, trong thơ tôi đấy là sự tái hiện giấc mơ miên viễn... Tôi thấy mình rất ấn tượng, vì là một người đàn bà trẻ, đầy thanh xuân và đích thực nồng nàn. Tôi sẽ thanh xuân cả ở tuổi 50 vì thái độ sống”.

Cuộc sống chưa bao giờ là cuộc dạo chơi, đó là hành trình đầy bất trắc. Không thể đoán biết, nói chắc về tương lai và ngay cả đời sống hiện tại của mình. Hãy yêu, hãy sống thật nồng nàn khi bạn còn đang nắm giữ hạnh phúc trong tim mình, sống vị tha, giàu tình thương, nhân hậu và bao dung. Biết quý từng giây, từng ngày được sống. Và vì thế, tạo hóa đã để đàn ông là những người tuyệt vời và vĩ đại, làm nên bao điều lớn lao. Họ là chỗ dựa xứng đáng cho thế giới, cho người đàn bà mình yêu và tạo ra những đứa trẻ. “Ngấm” Dệt tầm gai rồi, cứ muốn chạy đi tìm, được hỏi thẳng Vi Thùy Linh một lần thôi cho thỏa, người đàn bà ấy bao giờ dệt hết sợi tầm gai?

0 nhận xét:

Đăng nhận xét