00:00
0
Có gì có thể ví được với tình mẹ thương con? May mắn làm sao khi mỗi năm lại có một mùa Vu Lan để còn có dịp bày tỏ, cho dẫu đôi khi đã là rất muộn màng để ngậm ngùi thốt lên “Ngày xưa có mẹ...”.

Cổ tích thường bắt đầu từ: “Ngày xưa có một nàng công chúa...” hay  “ngày xưa có một vì vua ...” - Cổ tích con bắt đầu từ: “Ngày xưa có Mẹ…” (Thơ Thanh Nguyên, nhạc Võ Tá Hân).

Hôm nay con đã lớn, con nghĩ lại và cảm thấy ân hận vô cùng khi ngày đó làm Mẹ khóc và bận tâm vì con nhiều, đôi vai chai sần của Mẹ, mặt Mẹ đem sạm vì gió bụi của thời gian, lưng Mẹ mỏi, chân Mẹ nhức mỗi khi trời trở gió… những điều đó con đều biết và cảm nhận được hết, nhưng không biết sao con lại hờ hững vô tâm đến như thế, không chút quan tâm đến Mẹ, cọn chỉ biết đem lại cho mẹ bao điều để Mẹ phải ưu phiền. Mặc dù con rất thương, thương Mẹ nhiều lắm…

Khi con biết đòi ăn - Mẹ là người mớm cho con muỗng cháo - Khi con biết đòi ngủ bằng tiết tấu - Mẹ là người thức hát ru con - Bầu trời trong mắt con ngày một xanh hơn - là khi tóc Mẹ ngày thêm sợi bạc - Mẹ đã thành hiển nhiên như Trời - Đất, như cuộc đời, không thể thiếu trong con.

Nhớ lại từ tuổi thơ tôi, một ngày của Mẹ bắt đầu bằng việc lo cho tôi mọi thứ, từ bộ quần áo đi học, đến bữa ăn sáng, đến cả thời khóa biểu và tập sách Mẹ cũng soạn cho tôi, từng chút, từng chút Mẹ dồn hết tình thương yêu, niềm mong mỏi, sự kì vọng vào đứa con trai của Mẹ. Trái lại với sự bao la của tình Mẹ là sự ương bướng, ngang ngạnh, và có thể nói là lì lợm nữa của tôi. Dường như sự cưng chiều của Mẹ càng làm cho bản tính của một đứa con nít như tôi thêm phần bất trị. Tôi cãi lại, làm ngược lại mọi thứ mà mẹ mong mỏi, học hành thì chẳng ra gì, đi chơi lêu lỗng suốt ngày rồi đổ bệnh khiến Mẹ lo lắng nhiều.

Năm tháng cứ lặng lẽ trôi qua… tôi vẫn như thế, vẫn làm Mẹ bận tâm và khóc nhiều. Nhưng lúc  nào tôi cũng nghe được cái giọng trầm ấm của Mẹ “con là con của Mẹ, dù thế nào con vẫn là con Mẹ, Mẹ vẫn thương con!”…

Nếu có đi vòng quả đất tròn - Người mong con mỏi mòn chắc không ai ngoài Mẹ - Cái vòng tay mở ra từ tấm bé - cứ rộng dần theo con trẻ lớn lên - Mẹ là người đã cho con cái tên riêng - trước cả khi con bật lên tiếng “Mẹ”.

Thời gian cứ thắm thoát trôi, tôi ngày một lớn bản tính ngày nào của một thằng con trai được cưng chiều cũng dần thay đổi trong tôi. Tôi đã chảy nước mắt khi đôi lúc bắt gặp cảnh Mẹ nhặt từng lon bia, hộp mủ… Rồi tôi  biết lo lắng đến hình ảnh Mẹ trong những buổi trưa hè, trời nắng chang chang một mình Mẹ với gánh phế liệu, đôi đòn gánh trên vai vẫn từng bước từng bước rong ruổi trên khắp các nẻo đường, lưng Mẹ đẫm mồ hôi, mặt Mẹ sạm đen vì rát nắng.

Ba năm phổ thông, tôi biết suy nghĩ và thương Mẹ nhiều hơn, học lực tôi ngày một khá, lần đầu tiên trong mười mấy năm tôi được tấm giấy khen cho ra trò. Tôi chạy thật nhanh về nhà báo niềm vui này cho Mẹ. Cầm tấm giấy khen ánh mắt Mẹ sáng lên, tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc đang dâng tràn trong Mẹ, đôi mắt của Mẹ nhìn tôi âu yếm, nhưng thoáng chút lo lắng vì từ nay đôi vai chai sần của Mẹ phải gánh nhiều hơn, chân Mẹ bước nhanh hơn giữa những ngày mưa ngày nắng, tôi còn phải thi Đại học mà, tôi chỉ biết cố gắng để làm vơi đi phần nào khổ cực của Mẹ.

Trong những chiều mưa, hình ảnh Mẹ lom khom, đôi tay chai sạn vì thời gian, gương mặt hiền hậu tràn đầy tình thương, hình ảnh gánh phế liệu luôn hiện về trong tôi, nó khắc sâu vào tận cõi lòng tôi. Tôi luôn ghi nhớ mình khôn lớn từ gánh phế liệu, từ đôi vai chai sần của Mẹ, tôi luôn tự hào và mãi tự hào về gánh phế liệu của Mẹ. Vì lòng Mẹ bao la biết bao!.

Mẹ! - có nghĩa là ánh sáng - một ngọn đèn thắp bằng máu con tim - Cái đóm lửa thiêng liêng - cháy trong bão bùng, cháy trong đêm tối - Mẹ - có nghĩa là mãi mãi - là cho đi không đòi lại bao giờ…

0 nhận xét:

Đăng nhận xét