Hầu hết các con đường trên địa bàn thành phố đều có bóng me và đây là giống cây đầu tiên được người Pháp mang trồng ở hai bên đường Sài Gòn. 146 năm qua, lá me đã bay trong mắt, khắc trong tim người dân Sài thành hào sảng.
Me vương trên tóc
“Vào thời các đô đốc” (au temps des Amiraux) - như người Pháp ở Nam Kỳ xưa thường nói - nghĩa là vào những năm đầu khi Sài Gòn vừa bị đánh chiếm và còn nằm dưới quyền cai trị của các đô đốc, Hải quân Pháp đã bắt đầu cho trồng hàng loạt cây me hai bên đường sá kể từ khoảng 1863 - 1865, tuy lúc ấy đường phố vẫn chưa có vỉa hè (mãi đến khoảng năm 1873 mới bắt đầu làm vỉa hè). “Những cây me của các đô đốc” - có người gọi như vậy - đã chứng kiến và ghi dấu những năm tháng đầu tiên của nhà cầm quyền thực dân trên đất Việt Nam cách đây hơn một thế kỷ, và đến giờ vẫn còn in bóng mát trên nhiều đường phố Sài Gòn.
Có lẽ vì quá sợ cái nắng oi bức của vùng nhiệt đới nên lúc đầu người Pháp cho trồng rất dày, cứ 5m một cây dọc theo vệ đường. Thời đó, trồng cây gì cũng phải do Hội đồng thành phố Sài Gòn (bao gồm chủ yếu là người Pháp) xem xét và biểu quyết. Ở hai bên bờ kênh Charner (nay là đường Nguyễn Huệ), kể từ năm 1870, cây me mới được trồng lấn dần ra theo nhịp độ lấp từng đoạn con “kênh lớn” này. Còn ở các con đường khác, về sau, ngoài me, người ta cũng trồng những cây khác, như phượng và bàng. Nhưng đến năm 1895, do nhận thấy tán lá thưa của phượng vĩ không cho nhiều bóng mát suốt thời gian dài trong năm nên Hội đồng thành phố đã quyết định cho hạ loại cây này trên đường Taberd (nay là đường Nguyễn Du) để dành chỗ cho cây me phát triển…
Sau vài chục năm, cây cối ven đường trở nên um tùm, rậm rạp đến mức kiến nhiều người lo lắng cho vấn đề vệ sinh môi trường và đề nghị phải chặt bớt. Ngay những hàng me ở đường Catinat (nay là Đồng Khởi) cũng hai lần suýt bị hạ sau những cuộc tranh cãi kịch liệt trong Hội đồng thành phố giữa những người muốn giữ lại và những người muốn chặt bỏ (năm 1903 và năm 1912). Lúc ấy, người ta nhận thấy nhà cửa ở nhiều nơi có hiện trượng bị ngấm ẩm nặng nề, như ở đường Blancsubé (nay là Phạm Ngọc Thạch, đoạn từ nhà thờ Đức Bà tới công trường Quốc tế tới đường Võ Thị Sáu) hay đường Paul Blanchy (nay là Hai Bà Trưng). Cuối cùng, trong một phiên họp năm 1912, Hội đồng thành phố cũng đã đồng ý cho chặt bớt cây và quy định khoảng cách trồng cây trên các đường phố là 10m.
Ông Jean Baptiste Louis Pierre (1833 - 1905), người sáng lập và là giám đốc đầu tiên của Thảo cầm viên Sài Gòn (nhậm chức ngày 28-3-1865) là một nhà thực vật học suốt đời tận tụy cho sự nghiệp khoa học. Nhờ ông, nhiều cây rừng tự nhiên được tồn tại, một số loài cây đại mộc từ các lục địa khác được du nhập, một số cây ăn quả thuộc khu vực Đông Nam Á được ươm trồng, để cho ra đời những giống cây trái ngon. Trong 12 năm phụ trách Thảo cầm viên Sài Gòn (1865 - 1877), ông còn để lại một di sản quý giá nữa, đó là bộ sưu tập hơn 100.000 tiêu bản hiện được lưu giữ tại Bảo tàng thực vật - Viện Sinh học nhiệt đới TP.HCM và hàng ngàn cây cổ thụ trên các đường phố khu trung tâm, trong công viên Tao Đàn... Ông có sáng kiến trồng trên các con đường trong thành phố, từng dãy cùng một loại cây như nhau, biến Sài Gòn thành một bách thảo tập (herlier) riêng biệt. Ông lại có ý trồng nhiều cây ăn quả để đến mùa thu hoạch có thêm hoa lợi. Cây me có tán lá dày, xanh mát quanh năm, vừa cho bóng mát, vừa có quả hai mùa mỗi năm (từ tháng 3 đến tháng 6, tháng 7 và tháng 12), quả rụng xuống cũng không gây nguy hiểm cho người đi lại… nên dần dà trở thành một cây đắc dụng và được trồng ở hầu hết các con đường trong thành phố, có nhiều ở đường: 30-4, Bà Huyện Thanh Quan, Cách Mạng Tháng Tám, Châu Văn Liêm, Chương Dương, Thái Văn Lung, Hai Bà Trưng, Hậu Giang, Hùng Vương, Huỳnh Thúc Kháng, Lạc Long Quân, Lê Quang Liêm, Lê Quý Đôn, Lê Tháng Tôn, Lý Tự Trọng, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Huệ, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Trãi, Phạm Thế Hiển, Phan Đăng Lưu, Phùng Khắc Khoan, Thủ Khoa Huân, Trịnh Hoài Đức, Tô Hiến Thành, Tôn Đức Thắng, Trương Định, Võ Thị Sáu, Võ Văn Tần, Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Sự có mặt của những địa danh mang tên Cây Me như: rạch Cây Me ở vùng bờ sông thuộc phường Phú Mỹ, quận 7 (từ vùng bưng sình phía trong chảy ra sông Nhà Bè, dài độ 1.000m), ở quận Thủ Đức, ở vùng Bình Chánh, ở huyện Củ Chi; cầu Cây Me ở phường Long Phước, quận 9; xóm Cây Me ở Hòa Hưng, quận 10, ở ấp An Hòa, xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ; bến Cây Me ở huyện Củ Chi, xóm Cây Me Mát ở khu vực Chợ Lớn ngày xưa v.v. và v.v. cũng chứng tỏ loài cây này đã trở nên thân thuộc với cuộc sống của người dân TP.HCM như thế nào.
Máu người Sài Gòn có vị me chua
Từ đường Nguyễn Du rẽ ngang sang đường Nguyễn Trung Trực (phường Bến Nghé, quận 1), mắt ta dịu ngay bởi màu xanh mướt của những tán me liền nhau hai bên đường rợp bóng mát, nối dài suốt từ đầu đến cuối đường. Vẻ đẹp của hàng me dường như được tôn lên khi đường có độ dốc thoai thoải đổ về lộ chính Lê Lợi, đi từ đầu đường xuống hay cuối đường lên cũng chỉ thấy một màu xanh lớp lớp của hàng me phủ bóng. Đường này dài chừng 403m, lộ giới 20m, thuộc loại xưa nhất vùng Sài Gòn. Thời Pháp thuộc, lúc đầu mang số 28; ngày 2-6-1871, được đặt tên là đường Cap Saint Jacques, ngày 24-2-1897 đổi là đường Filippini. Ngày 22-3-1955, chính quyền Sài Gòn đổi là đường Nguyễn Trung Trực. Trong số 76 cây trồng hai bên đường, lạc vào một cây phượng, cây số 55, ở trước cửa nhà khách Tao Đàn, số nhà 35 và hai khóm dừa cảnh ở trước nhà số 33 - quán Sài Gòn xưa & nay, còn thì mát rượi một màu xanh của lá me chua. Nhờ có tán me râm mát, con đường trở nên gần gũi hơn với khách bộ hành khi nhịp bước chân trên vỉa hè. Những chiếc xe hơi, xe máy cũng thường chọn con đường này làm điểm dừng - núp dưới tán me. Đường vốn đã vắng, mà dường như ai điều khiển phương tiện giao thông đến đây cũng đều muốn chạy chậm lại để tận hưởng cảm giác dịu mát. Hàng quán từ bình dân đến sang trọng, đủ các loại hình vui - ăn - chơi cũng đua nhau nhận sự chở che của những bóng me hàng chục năm tuổi. Tôi vẫn tếu táo với đám bạn rằng đặc sản của quán sá trên đường này chính là món lá me.
Đường Thi Sách, phường Bến Nghé, quận 1, từ công trường Mê Linh đến đường Lê Thánh Tôn, dài khoảng 484m, lộ giới 20m. Đây là đường thuộc loại xưa nhất vùng Sài Gòn. Thời Pháp thuộc, lúc đầu mang số 12; từ ngày 2-6-1871, được đặt tên là đường Thủ Dầu Một; từ năm 1879, đổi là đường Cornelier Lucinière. Từ ngày 19-10-1955, chính quyền Sài Gòn đổi tên là đường Thi Sách. Đường này có 65 cây me trong số 68 cây trồng hai bên vỉa hè. Chủ nhân của những chiếc xe hơi chọn hai bên đường này làm bến đỗ chắc hẳn sẽ mỉm cười thích thú khi thấy kính xe bám đầy lá me sau mỗi trận mưa.
Đường Phùng Khắc Khoan, phường Đa Kao, quận 1, từ đường Điện Biên Phủ đến đường Nguyễn Thị Minh Khai, dài khoảng 615m, lộ giới 20m. Đây là đường thuộc loại xưa nhất Sài Gòn. Thời Pháp thuộc, từ năm 1877 mang tên đường Miche; ngày 22-3-1955, chính quyền Sài Gòn đổi tên đường là Phùng Khắc Khoan và được sử dụng cho đến ngày nay, có 99 cây me. Đây có thể gọi là đường me vì ngoài việc thuần nhất trồng cây me, con đường này cũng rất đẹp, vỉa hè rộng, thoáng mát, lại lưu thông một chiều (theo hướng Nguyễn Thị Minh Khai - Điện Biên Phủ) nên rất bình yên, thơ mộng. Một bạn trẻ thuộc thế hệ 8x, thành viên của hội những người yêu me thổ lộ: Bao năm đi giữa hai hàng cây trên những nẻo đường Sài Gòn nhưng chưa bao giờ tôi để ý xem cây gì đang che bóng mát cho mình. Tự nhiên, một sáng chủ nhật, ngồi trên vỉa hè đường Phùng Khắc Khoan ăn sữa chua với mấy đứa bạn, trầm tư bên nhau ngắm phố phường, nghe tụi nó ngân nga: “Con đường có lá me bay/Chiều chiều ta lại cầm tay nhau về/Bước chân rạo rực trên hè/Êm êm đá lát lòng nghe bồi hồi” (Con đường có lá me bay, thơ Diệp Minh Tuyền, nhạc: Hoàng Hiệp), tôi mới giật mình phát hiện ra cả một hàng me dài xanh ngắt. Mới hay Sài Gòn có những phút bình yên thật lạ!
Me bay trong nhạc, quyện vào thơ…
Ai xem bộ phim Vị đắng tình yêu (đạo diễn Lê Xuân Hoàng, sản xuất vào đầu năm 1990), chắc đều ấn tượng với hình ảnh cô nữ sinh Đặng Anh Phương (Thủy Tiên đóng) áo dài trắng thướt tha đi từ Nhạc viện TP.HCM về nhà, dưới những cây me trồng san sát nhau đang ì ào reo hát.
Mê hình ảnh lãng mạn ấy nên tôi cũng rất thích đi dưới bóng me ở con đường này. Sáng sớm, chạy xe chầm chậm, thấy thoang thoảng mùi lá me non trên những hàng cây, lòng thật khoan khoái. Những chiều cả gió cuối năm, tôi hay đến đây nghịch ngợm đưa tay cố bắt lấy những cánh lá me vàng lả tả bay trước đầu xe… Nguyễn Du là con đường có lá me bay nổi tiếng nhất Sài Gòn. Chắc chắn vậy. Con đường dài khoảng 2.266m, lộ giới 20m, chạy từ đường Tôn Đức Thắng đến đường Cách mạng tháng Tám, thuộc các phường Bến Nghé và Bến Thành, quận 1 này có 250/285 cây me. Đường rộng mà vắng, rất lãng mạn nên hay được giới văn nghệ sĩ đến tìm cảm hứng. Thế là những bài thơ, bài hát cứ nối nhau ra đời.
Gọi đích danh là ca khúc Sài Gòn trên đường Nguyễn Du (Nguyễn Tất Nhiên). Trước Giải phóng, đây là nhạc phẩm được rất nhiều người Sài Gòn yêu mến qua tiếng hát của ca sĩ Khánh Ly: “Và lá me rắt trên nụ cười, đường Nguyễn Du còn thơ, dù có đau ngẩn ngơ...”.
Năm 1978, bài thơ Con đường có lá me bay của nhà thơ - nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền đã tiếp tục vinh danh con đường này. Bài thơ tình yêu chất chứa nhiều kỷ niệm thời chiến tranh, được tác giả viết trong một chiều tháng tư bình yên khi ông lang thang trên con đường Nguyễn Du rợp bóng me. Bài thơ không chỉ gợi nhớ về những giây hạnh phúc với những mối tình nảy nở và thủy chung qua một thời đạn bom khốc liệt, mà còn nhắc nhở lòng người trước một tình yêu đã trải qua quá nhiều mất mát hi sinh: “Phải từng đổ máu chiến trường/Mới về hạnh phúc trên đường chiều nay/Con đường có lá me bay”. Đồng cảm với nhà thơ, thấu hiểu những mối tình chia ly, mất mát trong chiến tranh, nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã phổ Con đường có lá me bay với một giai điệu trữ tình, từ cung trưởng nhẹ nhàng qua cung thứ thiết tha, như giãi bày cả chiều sâu của hồn thơ. Qua giọng hát của các ca sĩ: Cao Minh, Hồng Nhung, Ngọc Tân…, Con đường có lá me bay đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng người yêu nhạc. Có một sự trùng hợp lý thú: nhạc sĩ Hoàng Hiệp từng viết ca khúc Nhớ về Hà Nội trong đó có câu: “Nhớ phố Quang Trung đường Nguyễn Du, những đêm hoa sữa thơm nồng...” góp phần định danh cho Hà Nội là thành phố hương hoa sữa, lại cũng phổ nhạc cho bài thơ Con đường có lá me bay của Diệp Minh Tuyền để thi vị hóa Sài Gòn là thành phố lá me bay.
Trời vừa tạnh mưa, đi từ Nguyễn Du, vòng qua Lý Tự Trọng rồi đi dọc đường Tôn Đức Thắng, hay bất cứ con đường có lá me bay nào của Sài Gòn, ta sẽ có một cảm giác trong trẻo, tràn đầy nhựa sống, không gian mát lành, nước lộp bộp rơi từ những tán lá me xuống tóc, mặt, đọng trên mi, vương trên mắt kính, lá me rải khắp mặt đường. Vạn vật như vừa trải qua một cữ nghỉ ngắn để lấy đà bật vào một guồng quay mới. Chắc cũng vào một chiều như thế, đi trên đường Tôn Đức Thắng, ngang khu Ba Son, thấy cảnh những công nhân háo hức vào ca, tan ca mà nhạc sĩ Trần Tiến đã hứng khởi hát vang:
“(Là là lá lá là la...)
Em đi đâu về, mà tóc đầy me
Em ngồi em chải, nghĩ gì vui thế... mà cười một mình
(la la la...)
Anh đi đâu về, dầu máy đầy tay
Lưng trần gió bể, nghĩ gì vui thế... nhìn người vợ hiền
(la la la...)
…
Em đi đâu về, mà tóc đầy me
Em ngồi em chải, nghĩ gì vui thế... mà cười một mình
(la la la...)
Anh đi đâu về, dầu máy đầy tay
Lưng trần gió bể, nghĩ gì vui thế... nhìn người vợ hiền
(la la la...)
…
Đêm khuya tiếng đàn, xao xuyến hàng me
Có người lính trẻ... nhớ người bạn gái... ngồi đàn một mình
Đi trong tiếng đàn... thành phố tình ca...
Thấy mình bỗng trẻ... ôm đàn tôi hát...
Hoà cùng bạn bè...
Có người lính trẻ... nhớ người bạn gái... ngồi đàn một mình
Đi trong tiếng đàn... thành phố tình ca...
Thấy mình bỗng trẻ... ôm đàn tôi hát...
Hoà cùng bạn bè...
Rồi, hình ảnh lá me làm duyên cho sự lãng mạn trong tâm hồn người Sài Gòn, khi tung tẩy:
“Có từ bao giờ hàng me xanh ngắt
Mà nay đứng đó cho em làm thơ
Con đường ta qua đến nay bao tuổi
Em qua trăm buổi, em lại nghìn lần
Mà sao bối rối - khi cầm tay nhau”
(Thành phố tình yêu và nỗi nhớ, thơ: Nguyễn Nhật Ánh, nhạc: Phạm Minh Tuấn)
Khi bồi hồi, da diết:
“Em còn nhớ hay em đã quên?
Nhớ Sài Gòn mưa rồi chợt nắng
Nhớ phố xưa quen biết tên bàn chân
Nhớ đèn đường từng đêm thao thức
Sáng che em vòm lá me xanh”
(Em còn nhớ hay em đã quên, Trịnh Công Sơn)
… Cánh lá me mỏng manh thiết tha bay trong gió thoảng đã trở thành một hình ảnh lãng mạn đặc trưng của Sài Gòn. Sài Gòn đẹp nhất là những hàng me. Sài Gòn là thành phố lá me bay. Tôi đoan chắc vậy.
Me chua, tên khoa học là Tamarindus india, còn có tên là Tamarind tree, thuộc họ Vang - Caesalpiniaceae. Cây có nguồn gốc từ châu Phi nhiệt đới và Ấn Độ. Cây gỗ lớn, thân thẳng cao từ 15 - 25m, vỏ màu nâu xám. Tán lá rủ hình chóp. Cây luôn luôn xanh. Lá kép lông chim chẵn, không lông, màu xanh tươi nhất vào mùa mưa (ra lá non). Có từ 10 - 12 cặp lá phụ, có gốc bất đối xứng, đầu hơi lõm, kích thước dài 0,8 - 1cm, rộng 0,6cm. Cụm hoa là chùm. Hoa có 3 cánh màu vàng và có 1 gân đỏ. Quả đậu không nứt, vỏ màu xanh lúc non, lúc già màu nâu nhạt, dài 3 - 10cm, rộng 1 - 1,2cm, có nhiều hạt nhỏ nâu bóng, đường kính 0,8 - 1cm, nạc có vị chua ngọt. Mùa ra hoa, đậu quả: từ tháng 3 đến tháng 6, 7 và tháng 12 hàng năm.
Thảo Lư ANVN2 (08/2009)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét