Khi cả nước đang hân hoan hướng về Lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, nữ nhạc sĩ Quỳnh Hợp cùng lúc ra mắt 2 album “Sắc đào Nhật Tân” và “Hà Nội – Ngẫu hứng Phố” do Viết Tân Studio phát hành trên toàn quốc. Là người con của đất Hà thành, đang sinh sống và làm việc tại TPHCM, nhạc sĩ Quỳnh Hợp luôn dành cho Hà Nội một tình cảm đặc biệt qua những ca khúc chị viết về Hà Nội trong gần 10 năm qua.
Nghe nhạc của chị, nhiều người nhận ra điều tinh tế: “Có một Hà Nội âm thầm chảy trong nhạc Quỳnh Hợp”. Với nhạc phẩm “Một chiều với Tây Hồ” trong album “Sắc đào Nhật Tân”, có thể nói đây là “cuộc hội ngộ” kỳ thú giữa nhạc sĩ Quỳnh Hợp và nhà báo Nguyễn Đức Nam - Trưởng ban Thư ký Tòa soạn Báo Công an TP Đà Nẵng, tác giả bài thơ “Chiều Hồ Tây”.
Nhạc sĩ Quỳnh Hợp tâm sự: Bài thơ “Chiều Hồ Tây” như nói được tâm trạng của chính mình và Quỳnh Hợp đã phổ bài thơ rất nhanh thành ca khúc “Một chiều với Tây Hồ” trong bảng lảng nhớ thương về Hà Nội trước sương khói của một chiều Hồ Tây – nơi ẩn chứa nét văn hóa nghìn năm của mảnh đất kinh kỳ. Một nét đẹp lãng mạn, một nét đẹp bình yên, một nét đẹp đến nao lòng với người Hà Nội đi xa... Bài hát là bức tranh chiều Hồ Tây trong bảng lảng khói sương đẹp mơ hồ và huyền ảo giữa mênh mang mây nước. Một chút sương mù, một làn khói mỏng, một bóng thuyền lững lờ trong tiếng chuông ngân êm đềm qua sóng nước Tây Hồ… những âm thanh và hình ảnh biểu trưng của hồn cốt dân tộc ấy gợi nhớ về một thời rất xa trong bâng khuâng, rạo rực và tự hào đến lạ… đúng là “Cõi lòng ta hòa với đất trời…”
Xin giới thiệu bài cảm nhận của tác giả Thanh Bình về nhạc phẩm “Một chiều với Tây Hồ” của nhạc sĩ Quỳnh Hợp, phổ thơ Nguyễn Đức Nam.
Bước vào không gian thơ của Nguyễn Đức Nam trong bài thơ “Chiều Hồ Tây” với những nét phác họa khá ấn tượng:
“Bồng bềnh giữa sương mờ khói tỏa
Lãng đãng trong nghi ngút hương trầm…”
Nhạc sĩ Quỳnh Hợp như “say” với cái cảm giác “bồng bềnh”, “lãng đãng” giữa hai bờ “thực” và “thơ”, cảm hứng dâng trào, thế là chị đã chọn phong cách ca trù phiêu lãng với nhịp điệu vừa phải để viết nên ca khúc “Một chiều với Tây Hồ” khá thú vị.
Nếu tác giả Nguyễn Đức Nam ít nhiều vẫn còn bị vướng chân với nhịp điệu và câu chữ của nàng thơ thì nhạc sĩ Quỳnh Hợp, ngay từ nét nhạc đầu tiên của ca khúc đã tô đậm cái ấn tượng của cảm giác thế nào là “bồng bềnh” bằng cách sử dụng điệp từ “bồng bềnh, bồng bềnh” để khai triển tứ nhạc. Và cứ nương theo cái logic riêng của ngôn ngữ cảm xúc đó, ở câu nhạc kế tiếp là điệp từ “lãng đãng, lãng đãng”. Và, chính sự nhắc lại của những điệp từ đó ở những cao độ khác nhau đã tạo nên mô-típ phát triển cho những câu nhạc ở đoạn A.
Trong cái không gian chiều Hồ Tây bồng bềnh, lãng đãng giữa sương khói của tự nhiên và hương trầm nghi ngút của tâm thức Việt, nhịp điệu thời gian dường như cũng chậm lại đến mức người nghệ sĩ không những có thể “thấy” được sự ngập ngừng của chiếc lá rơi mà còn “nghe” được âm thanh của chiếc lá rơi khẽ khàng như tiếng bước chân. Chính cái khoảnh khắc không gian - thời gian ngưng đọng đó đã giúp cho ngôn ngữ của thơ nhạc trào tuôn, giao hòa:
“Ở đây, ở đây ngày đi qua rất chậm/
Lá ngập ngừng rơi nhẹ như bước chân…”
Đồng cảm với tâm trạng và giọng thơ mang đầy tính chất cảm khái của Nguyễn Đức Nam, nét nhạc của Quỳnh Hợp vụt đẩy lên quãng tám để tạo cao trào ngay từ câu đầu của đoạn B:
“Một chiều giữa thanh bình Hà Nội
Cõi lòng ta hòa với đất trời
Đứa con xa tìm về nguồn cội
Nửa đời người mới thấu nghĩa non sông…”
Không phải giản đơn mà trong bức tranh bằng nhạc phẩm “Một chiều với Tây Hồ” được họa lên bằng tiếng nhạc da diết và trào dâng một niềm tự hào thầm kín, đậm chất Hà Nội trong tim người xa xứ phảng phất nét cổ xưa và đài các. Có lẽ chính cái không khí háo hức chào đón 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội ít nhiều cũng đã tạo nguồn cảm hứng để Quỳnh Hợp cất lên những nét nhạc bay bổng mang âm điệu ngợi ca thâm trầm, sâu sắc pha lẫn với cảm giác tự hào từ thơ của Nguyễn Đức Nam:
“Bây giờ và ngàn năm sau nữa
Vẫn lung linh chùa Trấn Quốc bên hồ
Tiếng chuông chiều vọng hồn đất nước
Vĩnh hằng một cõi đất Đông Đô”.
Vượt qua mọi âm thanh dâu bể, tiếng chuông cổ tích vẫn vẹn nguyên sức mạnh kỳ diệu của nó.
Nếu có dịp tản bộ ven Hồ Tây, xa xa là chùa Trấn Quốc thi thoảng buông tiếng chuông thẫn thờ... thì dường như ta bị chìm vào một miền huyền thoại đủ lay động đến tâm can muôn người.
Và, để nghe và cảm nhận được “Tiếng chuông chiều vọng hồn đất nước…” trong một chiều ở Hồ Tây, không gian và thời gian như ngưng đọng, giao hòa, dường như nhạc sĩ Quỳnh Hợp đã hơn một lần “bảng lảng với Tây Hồ”...
Nhà báo Nguyễn Đức Nam - Trưởng ban Thư Ký Tòa soạn Báo Công an TP Đà Nẵng tâm sự: Thật bất ngờ và thú vị khi bài thơ “Chiều Hồ Tây” được nhạc sĩ Quỳnh Hợp phổ nhạc thành ca khúc “Một chiều với Tây Hồ”. Bài thơ này tôi sáng tác năm 2005 trong lần đến viếng chùa Trấn Quốc và được đăng tải trong chùm thơ 5 bài trên Báo Văn Nghệ Công an Nhân dân ngày 4-5-2005.
Mỗi khi đến Hà Nội và đặc biệt là viếng chùa Trấn Quốc là mỗi lần tôi mang tâm trạng của người con nơi xa trở về với nguồn cội, trở về với đất Thăng Long “nghìn năm thương nhớ”. Khung cảnh tôn nghiêm, thiêng liêng và thanh bình của ngôi chùa gợi cho tôi niềm mến yêu thiết tha quê hương đất nước từng trải qua biết bao thăng trầm, và từ trong sâu thẳm tâm hồn tôi trào dâng cảm xúc nghĩa non sông. Bởi vậy, khi bài thơ này được phổ nhạc và được hiện diện trong album “Sắc đào Nhật Tân” của nhạc sĩ Quỳnh Hợp chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, với tôi quả là niềm vinh hạnh lớn!
Nguyên tác bài thơ:
CHIỀU HỒ TÂY
Nguyễn Đức Nam
Bồng bềnh giữa sương mờ khỏi tỏa
Lãng đãng trong nghi ngút hương trầm
Ở đây ngày đi qua rất chậm
Lá ngập ngừng rơi nhẹ như bước chân
Một chiều giữa thanh bình Hà Nội
Cõi lòng ta hòa với đất trời
Đứa con xa tìm về nguồn cội
Nửa đời người mới thấu nghĩa non sông
Bây giờ và nghìn năm sau nữa
Vẫn lung linh chùa Trấn Quốc bên hồ
Tiếng chuông chiều vọng hồn đất nước
Vĩnh hằng một cõi đất Đông Đô
Thanh Bình ANVN3 (09/2009)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét