Trong số báo trước, chúng ta đã cùng trải qua một cuộc du hành thú vị men theo câu hát đến thăm các dòng sông ở miền Nam nước Việt. Sang số này, chúng ta lại cùng nhau đến với những dòng sông xứ Bắc...
Miền Bắc đất nước, với địa hình phía Tây là núi cao, phía Đông là biển, nên sông ngòi nhiều lắm: Sông Hồng, sông Thao, sông Mã, sông Lam, sông La, sông Gianh...Ở hạ lưu hiền hoà, nhưng trên thương nguồn, đều là ghềnh, là thác.
Có lẽ dòng sông xưa nhất xuất hiện trong âm nhạc chính là Bạch Đằng Giang lịch sử, con sông chảy giữa Hải Phòng và Quảng Ninh đã xuất hiện hào hùng trong ca khúc đầy tinh thần yêu nước của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước: "Đây Bạch Đằng Giang sông hùng dũng của nòi giống Tiên Rồng, giống Lạc Hồng, giống anh hùng, Nam Bắc Trung..."
Bài hát ra đời từ năm 1944, khi nước ta vẫn còn nằm trong ách cai trị của cả Nhật lẫn Pháp. Những hình ảnh trên dòng Bạch Đằng lịch sử từ quá khứ cả nghìn năm nối tiếp hiện về "Đoàn quân Ngô thiện chiến, chém giết quân Hoằng Thao, Đoàn quân Trần Quốc Tuấn, đánh thắng quân Thoát Hoan..." đã cùng với những "Hội nghị Diên Hồng", "Diệt phát xít", "Tiến quân ca"... góp phần thôi thúc cả một thế hệ vùng lên, giành lấy chính quyền về tay người dân nước Việt.
Đất nước độc lập chưa được bao lâu, ngọn lửa chiến tranh đã trở lại, những dòng sông miền Bắc lại thực hiện nhiệm vụ quen thuộc trong lịch sử: Chở những đoàn quân tiến lên Việt Bắc hay xuôi về đồng bằng.
Từ miền Bắc, người ta "hướng về Nam" để hỏi "ai từng qua sông Hương từng nương Thiên Mụ từng ngụ Đập Đá, Văn Xá, Truồi, Nong..." hoặc những người "mến dòng sông Gianh, biết danh Lũy Thầy" mà giờ đây "lửa cháy ngút trời, máu nhuộm đồng xanh..." (Bình Trị Thiên khói lửa, Nguyễn Văn Thương).
Ở Thủ đô, người ta nhớ "cái đêm rút qua gầm cầu, anh đã hẹn ngày mai trở lại. Sóng sông Hồng vỗ bờ hát mãi, đỏ niềm tin là khúc khải hoàn ca" (Cảm xúc tháng Mười, Nguyễn Thành), từ đó, các dòng sông cùng dân tộc bước vào chín năm kháng chiến gian lao mà hào hùng.
Trong chín năm ấy, những dòng sông vẫn đua nhau bước vào các câu hát: "Sông Lô, sóng ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u...." (Trường ca sông Lô, Văn Cao), "Hồng Hà chơi vơi dâng nước trên nguồn về khơi, Sông Thao ngoài bến Việt Trì có những chàng áo nâu về say mê dòng nước, vui tràn trề..." (Du kích sông Thao, Đỗ Nhuận).
Mỗi dòng sông ấy, đều ghi dấu của những chiến công, ở sông Lô là chiến công bắn chìm tàu Pháp của pháo binh Việt Nam "Thây giặc trôi trở về ngập bờ, sông gầm vang tiếng súng trái phá, bao rừng thu như bát ngát người. Dân hân hoan chiến sĩ pháo binh Việt Nam ghi công..." còn khắp vùng sông Thao là chiến tích của những đoàn du kích áo xanh: "Đây những người dân quân Hạc Trì đang chống giặc kiên quyết không rời quê nhà". Xuôi dòng sông Hồng nhìn về Thủ đô, chỉ thấy "Hà Nội cháy khói lửa ngợp trời, Hà Nội hồng ầm ầm rung. Sông Hồng reo! Thét lên xung phong căm hờn sôi gầm súng..." (Người Hà Nội, Nguyễn Đình Thi)
Cứ thế, ròng rã 9 năm, qua bao gian khổ, rồi đến ngày "Núi sông bừng lên, đất nước ta sáng ngời cánh đồng Điện Biên cờ chiến thắng tưng bừng trên trời" (Chiến thắng Điện Biên, Đỗ Nhuận), quân thù tạm thời bị quét sạch bóng khỏi miền Bắc, đã đến ngày "Hồng Hà réo sóng say sưa trông Cha bóng Người, mênh mông..." (Người Hà Nội)
Nhưng đất nước đâu đã được yên, sông cũng như người lại còn bước vào một cuộc kháng chiến nữa, kéo dài qua hai thập kỷ. Khắp những khúc sông lại vang lên những bài hát ca ngợi những chiến công như trận Bạch Đằng từ nghìn năm về trước.
Đất nước tạm thời chia cắt, sông Bến Hải trở thành giới tuyến phân chia Nam Bắc. Người dân hai miền phải chịu cảnh "Đêm ven bờ Hiền Lương, chiều nay ra đứng trông về, mắt đượm tình quê..." (Câu hò bên bờ Hiền Lương, Hoàng Hiệp).
Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, những nút giao của các dòng sông với đường quốc lộ miền Trung luôn là trọng điểm đánh phá ác liệt, cũng ở đó sông ghi dấu ấn biết bao chiến công. Ở miền xứ Thanh, nơi "sừng sững bóng cầu Hàm Rồng đứng, soi bóng dòng sông Mã chảy mênh mang", chính là nơi "vùi chôn nơi đây xác bao giặc Mỹ" (Chào sông Mã anh hùng, Xuân Giao), lui vào xứ Nghệ, nơi có cầu Bến Thuỷ bắc qua dòng sông Lam, "vang tiếng đò đưa, nhịp vui mái chèo" cũng không kém phần hào hùng với "Người chiến sĩ dân quân, cây súng trường đã chiến thắng. Bọn cướp Mỹ xâm lăng chôn vùi ở đất đây ..." (Tiếng hát sông Lam, Đinh Quang Hợp).
Sau ba mươi năm gian khó, đất nước mới thật sự yên tiếng súng. Đó mới là lúc những chàng trai miền Nam đến với cô gái miền Bắc: "Về với quê em, nơi đây có dòng sông Cầu, và ngày hội Lim anh đã hứa khi xưa". (Tơ hồng, Nhất Sinh).
Sông nước đã thanh bình, giờ mới là lúc mời anh tha hồ đi thăm để mà ngắm sông, ngắm núi. Đâu chỉ có sông Cầu, miền Bắc còn có "Bến nước quê tôi ai qua rồi chẳng nhớ, nhớ tiếng còi tầm xôn xang trong lòng người thợ. Niềm vui rộng mở hòa cùng máy sợi máy tơ" của khúc sông Hồng chảy qua đất Thành Nam (Qua bến Đò Quan, Thái Cơ). Nếu đến Hà Tây, anh sẽ thấy "Dòng sông Đáy quê em, sông trăng hay sông lụa", sang Hòa Bình, thăm nhà máy thuỷ điện sừng sững, anh sẽ biết "Dòng sông Đà quê anh, đã dựng ghềnh dựng thác, nước reo từng điệu nhạc, dòng than trắng vô biên..." (Dòng sông quê anh, dòng sông quê em, Đoàn Bổng). Cũng nhờ sự giúp đỡ của nước bạn Liên Xô, ở Thủ đô đã mọc lên "Cầu Thăng Long soi bóng nước sông Hồng" (Trời Hà Nội xanh, Văn Ký). Đã đến lúc sông có thể hát vang lên "Sông mênh mông, như bát ngát hát...đời vui vút lên, đời vui sướng về...".
Không nơi nào trên đất nước ta không ghi dấu ấn của những dòng sông. Ngược lên Lạng Sơn, sông Kỳ Cùng cũng xuất hiện bập bùng trong những điệu hát Then, lên Cao Bằng, lại thấy sông Bằng trong câu hát...Sông luôn xuất hiện trong những ca khúc truyền thống của mỗi địa phương.
Ta đã theo dòng ca khúc đi thăm khắp các con sông ở mọi miền đất nước, sông nào cũng đẹp, cũng ấn tượng. Nhưng quả thật, không con sông nào ghi dấu ấn bằng con sông quê.
Qua nửa đời phiêu bạt, con lại về úp mặt vào sông quê. (Khúc hát sông quê, Nguyễn Trọng Tạo). Con sông quê "dạt dào như lòng mẹ", đã chở che cho ta qua bao "chớp bể mưa nguồn", nơi ghi dấu những ký ức buồn vui của ta thuở nhỏ, chính là con sông đẹp nhất mà ta yêu quý nhất!
Tiên Long ANVN2 (08/2009)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
bài này hay thật
Trả lờiXóa