12:00
0
Một ngày lạnh. Nhạc sĩ Lê Quân gặp tôi tại Hà Nội. Uống xong chén trà nóng, Lê Quân đưa tôi xem một ca khúc mới sáng tác của anh: Cánh cò quê Tôi chưa xem ngay. Muốn kéo dài chút thời gian xem anh viết những gì trong đó. (thói quen nghề nghiệp mà !) nên vẫn tiếp tục uống trà và tán gẫu. Lần nào từ Sài Gòn ra chúng tôi cũng hay gặp nhau tại đây. Một quán cà phê nhỏ, trang trí giản dị. Hầu hết là khách quen. Cô chủ quán đon đả đón chúng tôi bằng nụ cười thân mật cởi mở của người Tràng An mến khách. Sau khi tưởng tượng ra những gì thông thường người viết hay đề cập đến. Tôi mở Cánh cò quê ra và hát luôn một mạch.

Bài hát mở đầu bằng hai câu: “Quê mẹ ơi sao đồng xanh thế? Cánh cò ơi sao lả lơi thế ?” Hay quá! Nhạc sĩ Lê Quân đặt ra câu hỏi này không phải để cho người hát hoặc người nghe trả lời, nhưng là một nỗi niềm về quê hương được giãi bầy bằng ngôn ngữ âm nhạc và văn học. Chỉ bằng hai câu hát hội họa ấy, âm nhạc đã đi suốt một quãng 8, tạo nên không gian âm nhạc rộng rãi, trong veo như một bức tranh với màu xanh của cây lá và của mây trời. Quãng 8 này không có phản hồi và giai điệu lại tiếp tục vút lên, pha thêm “mầu” Hạ át rồi sau đó mới đi xuống dần và trở về bình ổn. Nhắm mắt lại ta hình dung ra một cánh cò bay lên trong vạt nắng trưa, rồi lại hạ thấp xuống, vẽ lên khung trời một đường cong mềm mại. Từ đó cho ta nỗi nhớ về tuổi thơ, về ký ức dại dột bé nhỏ thuở nào. Lê Quân thường kể cho tôi nghe những kỷ niệm về quê anh, một vùng đất của lúa và thuốc lào nổi tiếng. Cách xa thành phố Hải phòng chừng 40 km với những cái tên đã đi vào tâm khảm của những chàng trai, cô gái ở đâu đó trên mảnh đất hình chữ S hoặc bên kia đại dương như: Bến đò Chanh, phố Huyện... Xã Đồng Minh còn có cả một phường múa rối nước nổi tiếng với những làn điệu chèo làm say lòng người. Có lẽ chất chèo ấy đã ngấm vào anh như một mạch nước ngầm, nên hôm nay nhạc sĩ Lê Quân mới có một cách tiến hành giai điệu với những bước nhảy xa như thế. Những Xẩm xoan, cách cú, hay con gà rừng, Đường trường... đã nhập vào anh từ bao giờ không biết nữa.

Bài hát được viết ở thể một đoạn có phát triển. Những quãng 2 thứ nối tiếp nhau chung quanh một đường trục át âm trong vắt, như gốc cây ngọn cỏ in hình xuống dòng mương lung linh ánh nước. Đường nét giai điệu ấy giản dị nhưng không sơ lược, được tuôn chảy ra từ một cảm xúc có chắt lọc, để khi hát lên cho ta một cảm giác gần gũi, thân quen, mộc mạc như những mái tranh, đường làng, bến nước. Lê Quân viết :  Lời hát đong đưa, quang gánh đong đưa... Cò trắng chao nghiêng, quang gáng chao nghiêng... Còn có một lãng mạn nào hơn, để nói về quê mình như thế ?

Trong Cánh cò quê, Lê Quân viết về hình ảnh người mẹ như thế này: “Có nhiều hôm mẹ đi chợ muộn chưa về. Món quà quê con ngồi con ngóng. Bánh đúc, báng đa chờ mong...” Món quà quê chỉ là bánh đúc, bánh đa thôi, thế mà ta của thời thơ bé ấy đã tựa cửa ngóng trông, đã chờ mẹ mỗi buổi chợ về. Mẹ không đi chợ sớm, mẹ đi chợ muộn... Hãy để lòng ta lắng lại, dù muộn màng, thương mẹ một đời tần tảo nuôi con, dành cho con tất cả, chỉ mong con khôn lớn thành người. Bên cánh võng ngày ấy mẹ ru ta những buổi trưa hè. Lời ru có cánh cò lặn vào cái ngủ “ Con cò, con vạc, con nông...”. Mẹ ơi! mẹ đã cho con câu hát. Câu hát đời mẹ có tiếng tơ tiếng trúc, có nắng sớm mưa chiều, có ngày giông ngày bão, để con mang theo tận chân trời góc bể.Ta nhớ đến quả khế xanh trong vườn, quả ổi ương chờ ngày chín, và đâu đó tiếng chim gáy hơi trầm, vang trong kẽ lá... xao xuyến, tiếc nhớ khi mình đã thành người lớn.

Ở đoạn phát triển, motif âm nhạc dùng ở đầu bài theo hướng đi lên, được nhắc lại ở đây theo chiều ngược lại, như hình ảnh soi gương, tạo nên sự thống nhất trong kết cấu giai điệu là một lựa chọn phù hợp. Bài hát được kết thúc với chủ âm. Nhưng như thế có lẽ chưa đủ, người nghe còn được ngân nga, ngâm ngợi với tác giả trong một câu hát không lời (Vocaliser) để cho cảm xúc được kéo dài thêm nữa, lắng đọng hơn nữa, để nhớ về một thời, một quãng đời ta đã đi qua.

Vũ Ngọc Quang ANVN2 (08/2009)                

0 nhận xét:

Đăng nhận xét