Sài Gòn một sáng tháng Tám nắng chói chang, ngồi quán cà phê máy lạnh, bất chợt nghe tiếng nhạc Phú Quang từ laptop của ai đó vang tới "Ta mơ thấy em ở nơi kia xa lắm, một Hà Nội ngây ngất nắng, một Hà Nội run run heo may...", bỗng thấy nhớ Hà Thành đến nao lòng.

Mở máy tính vào mạng, lên Facebook, thấy bạn bè ngoài kia xôn xao rủ nhau vác máy ảnh đi chụp sen hồ Tây cuối hạ, chợt nhớ rằng dù đang ngồi trong cái nắng phương Nam oi ả, nhưng ở ngoài Bắc, Thu sắp sang.

Nhâm nhi li cà phê nhìn qua khung kính xuống dòng người xe Sài thành tấp nập mà hồn lửng lơ trôi về với Hồ Gươm, tháp Rùa. Lại thấy thèm một tối như ngày trước, ngồi quán Hà Nội và tôi bên Hồ con Rùa với bạn bè đồng hương xứ Bắc, nghe Toàn Nguyễn hát những bài về thủ đô cho đỡ nhớ.

Hà Nội thu bây giờ, không còn giữ được những hình ảnh như trong nét nhạc Trịnh Công Sơn nữa. Những "cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ" chỉ còn thấy lác đác ở những phố cũ, "phố xưa nhà cổ, mái ngói rêu phong" cũng ngày càng khiêm tốn trước những toà nhà lầu, cao ốc mới mọc. Còn "bầy sâm cầm nhỏ, vỗ cánh mặt trời", bạn đã từng nhìn thấy bao giờ chưa, chắc là chưa, sâm cầm giờ hiếm lắm. Chỉ còn "mùa hoa sữa về, thơm từng con phố..." vẫn mãi là nét riêng của thu Hà Nội khiến người đi xa nhớ mãi.



Thật tình cờ, trên laptop anh bạn nào đó nối tiếp luôn vào mạch suy tưởng của mình bằng bài tiếp theo vẫn của Phú Quang, Im lặng đêm Hà Nội: "Chỉ còn mùi hoa sữa nồng nàn, trong căn phòng nhỏ...". Lại nhớ mùi hoa sữa của những năm xưa, đạp xe từ nhà bạn gái về qua đường Trường Chinh, đến ngang bảo tàng Không quân, bỗng ngạc nhiên phát hiện ra ở đây cũng có một cây hoa sữa toả hương ngào ngạt giữa đêm vắng. Bây giờ mới tháng Tám, chưa phải "cuối thu trăng lạnh mờ sương", nhưng những hình ảnh in đậm từ ký ức của một thời trai trẻ vẫn thi nhau ùa về cùng tiếng câu hát, với "nỗi im lặng phố khuya, không gian dạ hương sâu thẳm, từng tiếng chim đêm khắc khoải vọng về...".

Bài hát nói đúng tâm trạng của mình quá. Một mối tình đầu dang dở lâu nay chìm vào quên lãng, theo câu hát bỗng lại trở về trong nỗi nhớ mùa thu xưa. Những cảm giác tê tái của chia xa, tan vỡ loang loáng trong hình ảnh "từng hàng cây nóc phố, ngây ngô nhìn nhau".

Anh bạn chủ nhân của chiếc laptop rõ ràng là một "fan" của Phú Quang. Không hiểu hôm nay có tâm trạng gì mà anh mở một mạch những bài hát về mùa thu Hà Nội, hay anh cũng như mình, đang nhớ về đất Bắc? Vừa dứt cảm giác "im lặng đến tê người", ký ức chưa ra khỏi cảm giác chông chênh khi nhớ lại một thời đã qua ở thủ đô cùng tuổi trẻ, cùng tình yêu dang dở, đã nghe tiếp cũng một bài đầy trăn trở khác, Hà Nội ngày trở về. Cảm giác rưng rưng của người con đi xa nhớ nhà lại bị "bồi" thêm một cú nữa. "Hà Nội ơi, mỗi khi lòng xác xơ, tôi vội vã trở về..."

Đúng thật, với Hà Nội, lần nào trở về cũng vội vã, thành ra đâu có cảm nhận được như nhạc sỹ, với sự nhạy cảm của tâm hồn nghệ sỹ "lấy cho mình một chút bóng đêm trên đường phố quen", hay "một chiều hương giăng lối cũ". Chỉ "vội vã trở về, vội vã ra đi" mà thôi. Chữ "vội vã" bây giờ mới ngấm, để rồi mùa thu Hà Nội quay quắt hiện lên khiến lòng day dứt không yên. Mùa thu Hà Nội đầy gió, với những gốc cây già rêu phong, với những con đường lá trút, với chiều mưa sa giăng kín phố dài...có nhớ ta không, mà khiến ta nhớ thương đến quặn lòng.

Bài hát đã gần hết, đang hình dung bài tiếp theo trong mạch ca khúc về mùa thu Hà Nội của Phú Quang này sẽ là Chiều phủ Tây Hồ hay Tôi muốn mang Hồ Gươm đi thì âm thanh bỗng vụt tắt. Hình như chủ nhân đã tắt máy để đi ra. Vội ngó ra cửa xem người yêu nhạc đó là ai. Ồ, không phải một "anh bạn" như mình nghĩ, mà là một cô gái váy đỏ dáng cao thanh thú với bước chân đầy tự tin. Chắc hẳn một thiếu nữ Hà thành nhớ mùa thu quê nhà với hương sấu, hương cốm đây mà. Chỉ nhìn sau lưng nhưng cứ hình dung đấy là một giai nhân, hy vọng lần sau ở quán này sẽ tái ngộ.

Người mở nhạc đã đi, nhưng mạch âm nhạc khiến người nghe vẫn còn chìm đắm, chưa thoát ra khỏi nỗi nhớ mùa thu, nhớ Hà thành. Trong đầu tự vang lên câu hát gọi hồ Gươm: "Tôi muốn đem hồ đi trú đông, nhưng làm sao mang nổi được sông Hồng, làm sao gói được heo may rét, thôi đành để hồ cho gió Bấc trông".

Hồ Gươm ơi, Hà Nội ơi, lần sau tôi trở về, sẽ không còn vội vã!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét