Cũng là tình ca nhưng tình ca của Tô Vũ đã nới rộng chân trời của những lứa đôi. Ông cũng cho thấy tình yêu có nhiều cách bày tỏ. Người ta sống cũng có nghĩa là sống trong một hoàn cảnh và đôi khi nói tới bất cứ điều gì trong hoàn cảnh đó, cũng có thể là đang nói tới cái tình của mình.
Chẳng hạn như ca khúc Tạ từ: Rồi đây khi mùa dứt chiến chinh - Gió dâng khúc đàn thanh bình - Ta đi tìm thơ muôn phương…
Toàn thể ca khúc toát ra một vẻ gì đó giống như một bài kinh cầu nguyện. Mỗi hình ảnh được nhắc tới tựa một dấu vết hạnh phúc, của ước mơ được thắp sáng, và trở thành chính đối tượng của lời cầu nguyện. Tình yêu như thế, vừa có vẻ là lễ vật hiến dâng, vừa là ân sủng được thừa hưởng. Nó có thể mất, có thể còn. Nhưng mất hay không, thì nó cũng vẫn còn ở trong trần thế này, nên nó cũng không thể mất hẳn. Cho nên dù có đau thương, mỗi tiếng hát vẫn là một lời ngợi ca hạnh phúc.
Trong nhạc Tô Vũ, chúng ta cũng không bao giờ thấy lảng vảng hình bóng của cái chết. Vâng, đời sống không dễ dàng lắm đâu nhưng cũng không quá khó khăn bởi vì người ta có thể tìm thấy sự dịu dàng ở khắp mọi nơi. Tô Vũ không nói tới nỗi nhớ nhung nào cụ thể nhưng người ta dường như vẫn nghe tiếng gọi âm thầm ẩn sau mỗi câu nhạc của ông. Và nỗi nhớ nhung vì thế cứ tràn ngập không gian: Em đến thăm anh một chiều đông - Em đến thăm anh một chiều mưa - Mưa dầm dề, đường trơn ướt tiêu điều - Em đến thăm anh người em gái - Tà áo hương nồng - Mắt huyền trìu mến sưởi ấm lòng anh (…) - Chiều nào em xa anh! - Có hay lúc em về - Gót chân bước reo âm thầm - Trên đường một mình ngoài mưa, mưa như mưa trong lòng anh …
(Em đến thăm anh một chiều mưa)
Trong âm nhạc của chúng ta, không biết có bao nhiêu trận mưa nhưng không có trận mưa nào chứa chan hạnh phúc như chúng ta vừa nghe trong nhạc Tô Vũ. Trận mưa ấy có thể chia xẻ hân hoan cho những ai nghe và hát nhạc Tô Vũ. Bởi vì chẳng cần phải là một tuyệt thế giai nhân, mà chỉ cần một tà áo hương nồng và một ánh mắt trìu mến, người ta cũng đủ để trở thành người trong thơ, trong nhạc.
Hay nói cách khác, sống cái tình của mình y như vậy và nó đâu có phải là điều gì khó khăn mà chúng ta không đạt được:
Ta ước mơ một chiều thêu nắng - Em đến chơi quên niềm cay đắng - Và… quên đường về… Ôi hạnh phúc mới tuyệt vời và giản dị làm sao!
Chúng ta không biết rõ Tô Vũ có sáng tác nhiều không nhưng chỉ thấy bốn năm bài được phổ biến. Ngoài ra, Tô Vũ còn viết lời, với tên thật là Hoàng Phú, cho bài nhạc Ngày xưa của Hoàng Phúc:
Dòng sông Hát nước xanh mờ sâu - Êm đềm trôi về tới nơi đâu - Sóng đưa lăn tăn con thuyền ai xuôi - Theo gió khơi tiếng ca âm thầm trầm rơi - Ngày xưa kia nơi đây đã từng vang hình bóng - Đôi quần thoa đem máu đào hoa nở sông nhà - Hồn linh thiêng sống trong muôn ngàn sóng - Những khi nao chiều vắng trầm đưa lên tiếng ca…
Đây là một trong những bài sử ca hay nhất của âm nhạc Việt Nam.
Qua nhạc, chúng ta biết một Tô Vũ có một tâm hồn nhạy cảm, phóng khoáng và rất nghệ sĩ. Có thể nói bằng sáng tác của mình, Tô Vũ đã nâng nghệ thuật viết ca khúc ở Việt Nam lên cao hơn một bậc. Ông cũng phải được coi là một nghệ sĩ viết lời ca hay nhất. Mỗi chữ, mỗi câu, ông đều viết xứng hợp với những giai điệu trau truốt của ông. Nghe nhạc của Tô Vũ, người ta cảm thấy hình như đời đẹp hơn, tình đẹp hơn…
Hương Thu SN28 (4/2010)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét