00:00
0
Hàng năm, ngày Chủ Nhật thứ ba của tháng Sáu, được vinh danh là “ngày của những người Cha” (Father's Day); cũng tương tự như ngày Chủ nhật thứ hai của tháng Năm được chọn là “Ngày của Mẹ” (Mother’s Day).

Nếu chúng ta nghĩ đến Mẹ là nghĩ đến hình ảnh dịu dàng, bao dung và tận tụy, Mẹ là bóng mát che chở cho con những buổi trưa hè, Mẹ là ánh sáng trong đêm thâu khi con lạc bước, Mẹ là bầu sữa ngọt ngào nuôi con khôn lớn từng ngày... thì Cha chính là hình ảnh của một cột trụ vững chắc trong gia đình. Cha là “mái” của một căn nhà. Người ta có lối ví von: “Con không cha như nhà không nóc”.

Đối với người Á Đông, người Cha trong gia đình thường đóng một vai trò gia trưởng và nghiêm khắc. Đi đâu xa về, con cái thường sà vào lòng Mẹ để tìm một chút an ủi và vỗ về, chứ ít ai dám sà vào lòng Cha dù trong lòng rất muốn nũng nịu và nhõng nhẽo với Cha mình. Bên ngoài lớp vỏ nghiêm nghị, nghiêm khắc và cũng có thể gọi là lạnh lùng đó, trong lòng Cha lúc nào cũng nghĩ về con và lo lắng cho tương lai của con cái. Cha ít khi biểu lộ tình cảm ra ngoài, có khi Cha lại còn che giấu tình cảm cả với con cái chỉ vì sợ con “lờn mặt”. Cha thường bày tỏ nỗi lòng lo lắng cho con thông qua Mẹ. Cha có thể chịu nhiều cực khổ để mong mỏi đàn con có được cơm no áo ấm và được che chở như trong câu ca dao: “Còn Cha gót đỏ như son. Đến khi Cha mất, gót con dính bùn”. Hoặc: “Công Cha như núi Thái Sơn. Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.

Trong dòng cảm xúc, một người con nhớ lại: mới đó mà gần một năm đã qua kể từ khi con hồi hộp mở cho Ba nghe bài hát “Tình Cha” để tặng Ba trong ngày Father's Day, bài hát gần giống tình cảm của Ba dành cho mấy anh chị em con: Tình Cha ấm áp như vầng Thái Dương - Ngọt ngào như giòng nước tuôn đầu nguồn - Suốt đời vì con gian nan - Ân tình đậm sâu bao nhiêu, Cha hỡi Cha già dấu yêu - Và con nhớ mãi những ngày tháng qua - Kỷ niệm năm nào khó phai trong lòng - Nhớ hoài tuổi thơ bên Cha, gian khổ ngày đêm chăm lo - Mong muốn con được lớn khôn - Còn nhớ những ngày ấy, những đêm trường giá lạnh - Và Cha nằm ôm con sưởi ấm những canh dài - Nhè nhẹ hôn con và Cha khẽ nói: Này con yêu ơi... - Con hãy nhớ.. hãy nhớ... lời Cha sống cho nên người - và con hãy chớ bao giờ dối gian - Nghèo thì cho sạch rách sao cho thơm! - Những lời của Cha năm xưa - Con nguyện ghi sâu trong tim - Cha hỡi , Cha già dấu yêu...

Một người con, viết về “sợi tóc bạc” thật xúc động: Hôm nay, tôi nhìn thấy trên gối một sợi tóc bạc rụng. Sợi tóc của tôi. Tôi nhìn mái tóc mình trong gương và thấy hình ảnh của chính cha mình ở đó hơn 20 năm trước. Tôi cũng đã làm cha, cũng có một gia đình, một công việc với vô vàn sức ép và trăm ngàn nỗi phiền muộn và lo toan cho cuộc sống. Tôi hiểu tại sao tóc cha bạc và tóc tôi cũng bạc. Bạc nhiều lắm, bạc quá nhiều đối với một người mới chỉ 32. Mỗi sợi bạc là một niềm âu lo, là một suy nghĩ và trăn trở, là điều mơ ước cho mình, cho mọi người về cuộc sống, là ngần ấy đêm không ngủ để làm việc, để suy nghĩ, và đôi khi để phung phí cho những việc vô nghĩa nhất trên đời.

Đời người chẳng ai như nhau, sướng khổ khác nhau, nhưng những nỗi lo thường nhật và cả màu trắng của sợi bạc chẳng có gì khác nhau… Có lẽ sau này tôi cũng sẽ nhuộm đen tóc như cha, dù vẫn biết đó chỉ là một cách dối mình và mọi người rằng mình còn trẻ, và thời gian chưa hề để lại dấu ấn trên thể xác con người. Nhưng đó là một thông điệp, là một lời nhắn nhủ với những đứa con: dù năm tháng có qua đi, thì cha luôn ở đây bên con trên cõi đời này, mãi tươi trẻ như tình yêu cuộc sống và tình yêu cho đồng loại. Tóc bạc là vì tuổi tác, nhưng tâm hồn thì mãi xanh tươi.

Ngày mai, ngày kia, năm sau nữa, trên gối tôi sẽ lại thấy rụng thêm nhiều sợi bạc. Thời gian trôi đi, qua tháng năm…

“Cha ơi, con yêu cha lắm!”, câu nói sao mà khó thốt dẫu biết tận cõi lòng, ai cũng hiểu tình Cha vĩ đại biết chừng nào.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét