00:00
0
Phải thừa nhận rằng từ trước giờ, con chưa bao giờ nghĩ đến khái niệm Quê hương. Và cũng chưa một lần, con tự hỏi “mình có thật sự yêu mảnh đất đã sinh ra và nuôi lớn mình chăng?”.

Với niềm băn khoăn ngẫm nghĩ về tình yêu quê hương thì con biết mình thích mặc áo dài lúc đến các nước bạn, thích mang theo chiếc nón lá khi dạo phố Sài Gòn và nếu có một du khách nào đó xúc phạm đến người Việt thì con sẵn sàng “tranh luận”, sẵn sàng “xù lông nhím” để bảo vệ,…

Quê hương là gì hở mẹ? – Câu đầu tiên xuất hiện trong ý nghĩ con, khi được giao viết bài cảm nhận về quê hương.

Quê hương là gì hở mẹ

Mà cô giáo dạy phải yêu

Quê hương là gì hở mẹ

Ai đi xa cũng nhớ nhiều

Ca khúc Quê hương (thơ: Đỗ Trung Quân; nhạc: Giáp Văn Thạch) là sự lựa chọn cuối cùng, khi con lướt qua hàng loạt các ca khúc về nơi “chôn nhau cắt rốn”. Đây cũng là ca khúc khá phổ biến, khá quen thuộc với đại đa số mọi người. Bằng chứng là khi con đặt câu hỏi: “quê hương là gì?” gửi đến các bạn trong danh sách và câu trả lời: “Quê hương là chùm khế ngọt”; “Quê hương là con đò nhỏ”; “Quê hương là con diều biếc”;…

Các bạn chỉ toàn trích ca từ trong ca khúc Quê hương. Có lẽ lòng yêu đất nước, yêu quê hương khó mà định nghĩa được phải không mẹ? Lòng yêu nước là lẽ tự nhiên, như một mạch ngầm, ngấm ngầm chảy trong mỗi người!

Lúc còn nhỏ, mẹ thường dạy con hát: “con đừng quên con nhé, ba mẹ là quê hương”. Thật đơn giản và dễ hiểu mẹ nhỉ!

Quê hương là chùm khế ngọt

Cho con trèo hái mỗi ngày

Quê hương là đường đi học

Con về rợp bướm vàng bay

Quê hương là con diều biếc

Tuổi thơ con thả trên đồng

Mặc dù tạm quên đi lời bài hát, nhưng những hình ảnh ngày xưa vẫn trở lại với con trùng khớp một cách khó tin. Cũng trèo cây, thả diều, bắt bướm, thậm chí con từng “mê” bắt cua đến nỗi trốn học. Rồi những chiều ngả lưng giữa ruộng, bắt chân chữ ngũ, tay giật dây diều, miệng ngậm cọng cỏ tranh ngọt ngọt,…  

Sao mà trùng với Quê hương đến thế. Mà chắc không phải mình con giống, bất cứ ai khi  sinh ra, trên một vùng quê nào, đều được trải qua các cảm giác đó, các trò chơi đó. Để khi lớn lên, bùi ngùi và tự hào kể lại một cách say sưa chăng?

Quê hương là cầu tre nhỏ

Mẹ về nón lá nghiêng che

Là hương hoa đồng cỏ nội

Bay trong giấc ngủ đêm hè

Bóng con chờ mẹ mỗi chiều, khi vạt nắng gần tắt trên vạch con vẽ trong sân để đón mẹ. Khi bóng mẹ đong đưa theo đòn gánh về đến cổng, là khi con vùi vào tóc mẹ hít hà mùi bồ kết,… rồi tay mẹ mát lạnh xoa lưng mỗi khi con ngủ…

Tiếng sáo trong ca khúc càng làm con nhớ lại lúc bé, khoảng thời gian ngọt ngào và êm ả.

Rồi lúc lớn, mỗi lần xa quê, lại vang lên tiếng mẹ nhắc nhở: “con đi con nhớ quê nhà, nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương…siêng về thăm nhà nha con!” (mẹ dí dỏm khi thay “anh” bằng “con”). Và để nhắc con luôn nhớ cội nguồn. Cũng là một động lực cho con khỏi “sa ngã” trước bao cám dỗ xa hoa.

Quê hương mỗi người chỉ một

Như là chỉ một mẹ thôi

Quê hương nếu ai không nhớ

Sẽ không lớn nổi thành người...

Như chiếc lá phải về cội. Dù đi đâu về đâu, con biết, quê hương vẫn còn đó câu hò…

Bài học ý nghĩa từ câu nói của Raxin Gaventov "Người ta có thể tách con người ra khỏi quê hương nhưng không thể tách quê hương ra khỏi con người".

Mẹ yên tâm nhé, con vẫn yêu và luôn nhớ quê, không có ca phẫu thuật nào có thể “tách” con ra khỏi quê mình!



Mai Quỳnh ANVN9 (04/2010)
Next
This is the most recent post.
Bài đăng Cũ hơn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét