11:00
0
Nhạc sĩ Thanh Sơn, tác giả của những ca khúc mang giai điệu buồn thương về tuổi học trò, mái trường, hoa phượng như: Lưu bút ngày xanh, Nỗi buồn hoa phượng, Thương ca mùa hạ, Nhật ký đời tôi, Mùa hoa anh đào, Hương tóc mạ non, Bài ngợi ca quê hương… Hầu hết ca khúc của ông đều mang âm hưởng dân ca Nam Bộ, lẫn một vài điệu thức của vọng cổ, cải lương như đã thấm đẫm trong tâm hồn ông. Nên vừa trữ tình vừa ngọt ngào, dễ hát, dễ thuộc và đặc biệt là dễ nhớ, vì  trong nhạc có nhiều hình ảnh, kỷ niệm phù hợp với tâm tư, tình cảm bình thường của nhiều người. Đã có người ví, nhạc Thanh Sơn như chiếc xuồng quê đưa biết bao tâm hồn trở về với ký ức tuổi học trò, dòng sông, hàng dừa rủ bóng, cánh đồng đầy cò trắng, ngạt ngào hương mạ xanh rờn thắm đượm tình quê…

Có điều ít ai biết, trước khi trở thành nhạc sĩ, Thanh Sơn đã là ca sĩ. Số là vào năm 1959, từ quê nhà Sóc Trăng ông lên Sài Gòn giúp việc cho một gia đình. Vốn có giọng hát hay và từ lâu ôm ấp mộng làm ca sĩ. Một lần ông nghe radio và biết Đài Phát thanh Sài Gòn tổ chức tuyển lựa ca sĩ, ông ghi tên tham dự và đến ngày thi xin gia chủ cho mình nghỉ 2 giờ đồng hồ để đi thi. Sau một năm chờ đợi, ông nhận được thông báo mình đạt vị trí thủ khoa kỳ thi tuyển chọn đó. Và với kết quả này, ông đã được nhiều ban nhạc danh tiếng ở Sài Gòn lúc đó mời cộng tác. Từ đây, Thanh Sơn đã bước vào lĩnh vực ca hát của Sài Gòn hoa lệ, dần dà quen biết, gần gũi với những nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng như: Hoàng Thi Thơ, Hoàng Trọng, Lê Dinh, Minh Kỳ, Lam Phương, Duy Trác, Kim Tước, Mai Hương… Và về sau này, hai nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và Lê Dinh đã khuyến khích và giúp đỡ ông rất nhiều trong bước đầu sáng tác.

Về hoàn cảnh ra đời của bài hát Nỗi buồn hoa phượng, ông kể: năm 13 tuổi, học trường Hoàng Diệu - Sóc Trăng, tôi chung lớp và quen với một cô gái khá dễ thương, có cái tên cũng khá lạ: Nguyễn Thị Hoa Phượng, con của một gia đình công chức từ Sài Gòn, biệt phái về làm việc tại Sóc Trăng. Ông hồi tưởng: “Thời gian gần gũi hơn một năm, tình cảm bắt đầu thân thiết, bỗng hè năm sau đó, Hoa Phượng đột ngột báo cho biết là gia đình được điều chuyển về lại Sài Gòn, nên cô tìm gặp tôi để chào từ biệt. Trong lúc vừa bất ngờ vừa buồn rười rượi, tôi hỏi xin địa chỉ để sau này liên lạc. Hoa Phượng cũng chỉ buồn bã nói trong nước mắt: “Tên em là Hoa Phượng, mỗi năm đến hè nhìn hoa phượng nở thì hãy nhớ đến em…”. Từ đó, chúng tôi bặt tin nhau.

Bẵng đi thời gian khá lâu, khi đã nổi tiếng ở Sài Gòn với nghệ danh nhạc sĩ Thanh Sơn, một ngày hè năm 1963, bất chợt trông thấy những cành phượng đỏ thắm khi ngang qua một sân trường, tôi bỗng nhớ lại lời của “người xưa” lúc chia tay... Và, vào một đêm hè oi bức, lòng đầy hoài niệm, tôi đã viết: Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn, Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương, Ngày mai xa cách hai đứa hai nơi, Phút gần gũi nhau mất rồi, Tạ từ là hết người ơi…Tiếng ve nức nở buồn hơn tiếng lòng, Biết ai còn nhớ đến ân tình không, Đường xưa in bóng hai đứa nay đâu, Những chiều hẹn nhau lúc đầu, Giờ như nước trôi qua cầu…Giã biệt bạn lòng ơi, thôi nay xa cách rồi, kỷ niệm mình xin nhớ mãi, buồn riêng một mình ai, chờ mong từng đêm gối chiếc, mối u hoài nào ai có hay. Có ai đã từng nhặt hoa thấy buồn,Cảm thông được nỗi vắng xa người thương, màu hoa phượng thắm như máu con tim, mỗi lần hè thêm kỷ niệm, người xưa biết đâu mà tìm…”. Bài hát sau đó được thu với giọng hát của ca sĩ Thanh Tuyền và rất được nhiều người, nhất là lứa tuổi học trò yêu thích.

Như đã nói, nhạc Thanh Sơn với giai điệu ngọt ngào, dễ thuộc, dễ hát nên đã có người vui tính đặt lời hát nhại theo một cách hài hước, như bài Mùa hoa anh đào: Mùa xuân sang có hoa anh đào, Mùa hè sang có hoa đào anh, Mùa thu sang có hoa anh đào, Mùa đông sang cũng có hoa anh đào, Vậy cả năm có… hoa anh đào! Ngay cả bài Nỗi buồn hoa phượng cũng “bị” nhại: Mỗi năm đến hè… thì tôi… nghỉ hè…! Một cách mà như kiểu nói Miền Nam là “Trớt hơ”! Những điều này càng cho thấy tính phổ biến ở nhiều sáng tác của nhạc sĩ Thanh Sơn và ông cũng không buồn phiền gì khi nghe những lời hát nhại này.
Một đời ông đam mê âm nhạc và sáng tác nhiều bài hát, được đông đảo công chúng mến mộ, song mai này chỉ mong người đời khi nhớ đến Thanh Sơn thì hãy nhớ về  Nỗi buồn hoa phượng, ông tâm sự như thế.
Vợ chồng nhạc sĩ Thanh Sơn hồi trẻ
Phụ lục:
Nhạc sĩ Thanh Sơn tên thật là Lê Văn Thiện, sinh ngày 1/5/1938 tại Sóc Trăng, là thứ 10 trong một gia đình 12 anh chị em.
Nhà đông con, cuộc sống bữa đói bữa no nên tuổi thơ của ông rất cơ cực. Lại nữa, gia đình ông bấy giờ có che dấu cán bộ Việt Minh nên bị ngụy quân ngụy quyền truy bức gắt gao, phải rày đây mai đó.

Những năm học tiểu học, ông được nhạc sĩ Võ Đức Phấn (em út của nhạc sĩ Võ Đức Thu nổi tiếng về tài dạy đàn ở Sài Gòn những năm 1950 - 1960) nhận làm học trò. Năm 1955, thầy Phấn qua đời, ông bắt đầu lên Sài Gòn kiếm sống, làm gia nhân cho ông Giám đốc Công ty Dầu lửa Quốc gia với đồng lương 150 đồng/tháng. Mê âm nhạc nên ông theo học lớp nhạc của nhạc sĩ Lê Thương. Công việc của ông thời đó là chép và kẻ khung nhạc.

Năm 1959, ông đăng ký dự thi cuộc thi Tuyển lựa ca sĩ của Đài Phát thanh Sài Gòn với ca khúc Chiều tàn (Lam Phương). Thí sinh Lê Văn Thiện với nghệ danh Thanh Sơn giành giải nhất, giải thưởng ông nhận được là một chiếc radio và cây đàn guitare.

Bắt đầu từ thành công đó, Thanh Sơn dấn thân vào nghiệp ca sĩ, khởi đầu đi hát trong ban nhạc Tiếng tơ đồng của nhạc sĩ Hoàng Trọng và hát cho Đài Phát thanh Sài Gòn. “Lương ngon lắm! Tôi hát cho ba ban trong đài, lãnh tiền theo từng bài, cộng lại tới 6.000 đồng/tháng, trong khi lương công chức lúc đó có 1.800 đồng thôi” - ông nhớ lại.

Từ năm 1960, ông bắt đầu sáng tác. Ông chọn đề tài về lứa tuổi học trò để nhớ về thời áo trắng, với ông, đó là thời gian đẹp nhất của cuộc đời. Bài hát đầu tiên ông viết là Tình học sinh. Sau khi được nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ góp ý, hướng dẫn, ông gửi cho đài phát thanh và có rất nhiều ca sĩ hát ca khúc này trên sóng phát thanh thời ấy. (Nhạc sĩ Thanh Sơn cho biết, ông có hơn 200 bài hát ông viết về tuổi cắp sách đến trường. Trong đó có những ca khúc nổi tiếng như: Tình học sinh, Ba tháng tạ từ, Lưu bút ngày xanh, Hạ buồn và đặc sắc nhất là Nỗi buồn hoa phượng).
Năm 1963, nhạc sĩ Thanh Sơn bắt đầu bỏ hẳn nghiệp ca hát để chuyển sang sáng tác. Ngày đó mỗi tháng đi làm, chỉ được lãnh 150 đồng, nhưng tiền tác quyền của ông một tháng lên đến 6.000 đồng, giúp gia đình ông vượt qua nghèo khó. Ông nhờ vào tiền sáng tác mà mua nhà, mua xe, cưới vợ.

Năm 1973, nhận thấy âm hưởng dân ca Nam Bộ rất gần gũi với đời sống người lao động, dễ lan tỏa và sống mãi trong lòng người nghe, ông chuyển hướng sáng tác đề tài quê hương. Ca khúc ông viết đầu tiên về thể loại này là Ngợi ca quê hương. Từ đó đến nay, ông đã sáng tác hơn 200 ca khúc về đề tài quê hương, lấy chất liệu từ miền châu thổ sông Hậu và âm nhạc ngũ cung. Ông kể: “Tôi đã viết ca khúc về 26 tỉnh, thành miền Nam, trừ Tiền Giang chưa viết được vì hai chữ Tiền Giang đưa vào nhạc khó quá. Tôi sẽ cố gắng tìm cho ra cái tứ để ca ngợi mảnh đất Tiền Giang trong thời gian tới”. Có lẽ ông đang giữ kỷ lục là tác giả có nhiều bài hát sáng tác riêng về các địa danh nhất Việt Nam?

“Lập kỷ lục” như thế chắc ông phải có nhiều đơn đặt hàng và tiền tác quyền để viết “địa phương ca” lắm? Nhạc sĩ Thanh Sơn nhỏ nhẹ cười, lắc đầu: “Mấy khi tôi nhận được tiền từ các tỉnh, thành phố, mà có thì số tiền cũng chẳng là bao. Mình cầm chỉ là tượng trưng cho vui để thấy cái tình, sau đó tặng số tiền này lại cho người nghèo. Cái chính là tôi rất tự hào và yêu mến vùng quê hiền hòa, trù phú nơi mình sinh ra, lớn lên. Tôi muốn khoe với mọi người quê hương của tôi đẹp đẽ như thế, con người quê tôi chất phác, đôn hậu như thế; trước nhất là khoe với… vợ tôi!”. Lấy vợ người miền Trung, ông thường kể với người bạn đời về sự giàu đẹp, màu mỡ ở quê mình và hứa với bà ngày hòa bình sẽ đưa bà đi khắp vùng châu thổ. Nhiều năm sau ngày thống nhất đất nước, ông mới thực hiện được lời hứa với vợ, đồng thời khẳng định “mỗi chuyến đi qua mỗi vùng đất sẽ sáng tác một bài hát để kỷ niệm”. Cứ thế, Hành trình trên đất phù sa và nhiều bài hát về miền Tây theo bước chân đôi vợ chồng tiếp nối ra đời. Tính đến nay, gia tài ca khúc của nhạc sĩ Thanh Sơn có hơn 500 bài hát, 2/3 trong đó viết về quê hương, con người Nam Bộ.

Có một bài hát rất nổi tiếng của Thanh Sơn là Mùa hoa anh đào. Dạo ấy, mới cưới nhau, trong một lần đi Đà Lạt, khi ngắm gương mặt nhỏ nhắn có nhiều nét như người Nhật của vợ, ông đã sáng tác bài hát này chứ chẳng có chút xíu dây mơ rễ má gì với loài hoa anh đào của Nhật Bản như nhiều người lầm tưởng.

Trải qua một ca mổ tim sinh tử cách đây mấy năm, điều mà ông mong muốn nhất là có đủ sức khỏe để tiếp tục sáng tác: “Tôi nghiên cứu kho tàng nhạc dân tộc mênh mông của nước mình, đặc biệt say mê vọng cổ, nhạc tài tử cải lương. Khi sáng tác tôi vay mượn, phát triển từ gốc âm nhạc Việt giàu có như bản Mẫu tầm tử, Trăng thu dạ khúc, câu hò, điệu lý dân ca… chứ không để nhạc mình lai tạp. Những gì tôi viết là đời sống thật bởi tuổi thơ của tôi từng cấy lúa, tắm sông, hái dừa, chèo thuyền… Tôi lại đi nhiều để thấy, để hiểu, để cảm được nhiều chứ không ngồi một chỗ tưởng tượng ra nên bài hát không giả tạo, từ đó không dễ quên với nhiều người nghe”.

Cao Vũ Huy Miên ANVN1 (07/2009)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét